Trước kia Bộ luật Dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011, tại Điều 159 quy định, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Còn thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều này cũng quy định, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau: “a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện; b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Khoản 4 Điều 159 nêu rõ, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu”.
Theo đó thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian mà trong khoảng thời gian đó chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, sau khoảng thời gian đó chủ thể mất yêu cầu khởi kiện. Để xác định khoảng thời gian đó là bao lâu thì phải tùy theo tính chất pháp lý của vụ việc, có vụ việc không giới hạn thời hiệu khởi kiện. Như vậy, nhìn chung theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, sửa đổi bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện là một trong những điều kiện để thụ lý vụ án của Tòa án.
Tuy nhiên sang đến Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tinh thần pháp luật đã thay đổi, theo đó quyền và lợi ích của các chủ thể được bảo vệ triệt để hơn. Cụ thể, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự như sau: “1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nêu trên, việc áp dụng thời hiệu này sẽ không tự động phát sinh mà chỉ được áp dụng nếu như có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên và yêu cầu phải được đưa ra trước khi Tòa án đưa ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Điều này trên thực tế được hiểu là Tòa án sẽ không được từ chối thụ lý vụ việc vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Bất cứ yêu cầu hợp lý của nguyên đơn – nguyên đơn chứng minh là người có quyền yêu cầu thì Tòa án đều phải thụ lý giải quyết. Sau khi Tòa án thụ lý thì theo yêu cầu của một bên hoặc hai bên Tòa án sẽ áp dụng thời hiệu khởi kiện để xét xem vụ việc đã quá thời hiệu khởi kiện chưa, nếu có căn cứ để cho rằng vụ việc đã quá thời hiệu khởi kiện thì tòa án khi đó mới ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc với lý do là vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện.
Vậy, điều này có gì khác biệt với Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 ngoài một bước thụ lý án nhưng cái kết cuối cùng vẫn có thể là bị đình chỉ giải quyết. Điểm khác biệt và tiến bộ rõ rệt được thể hiện ở ý cuối: “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”. Như vậy, nếu người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu thực hiện quyền từ chối áp dụng thời hiệu nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì Tòa án sẽ tước quyền này của họ.
Đơn cử như: Nếu ông A kiện ông B về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dân sự, vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện. Theo quy định của pháp luật tại Điều 184 viện dẫn nêu trên, ông B có quyền từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện và khi đó Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Tuy nhiên, nếu ông B từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì sẽ bị Tòa án có thể tước quyền từ chối áp dụng thời hiệu của ông B. Có nghĩa vụ án vẫn có thể được Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Có thể thấy, đây là sự tiến bộ nổi bật trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trải qua quá trình áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, sửa đổi bổ sung 2011, xét thấy thực tế có nhiều trường hợp tranh chấp không được giải quyết triệt để do những giới hạn về thời hiệu gây ra sự bất công cho người có quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã khắc phục được điều đó và trên hết thể hiện tinh thần “Công lý phải được bảo vệ tới cùng”.