Đây cũng là vấn đề được Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Gia Túc phản ánh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Luật Giám định Tư pháp. Theo ông Túc, pháp luật về giám định tư pháp còn có bất cập, khuyết thiếu; nhiều quy định của Luật Giám định tư pháp triển khai trên thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Trong đó, Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn tối đa để giám định, nên công tác giám định thường bị chậm trễ, kéo dài, không có điểm dừng; chưa quy định rõ về chế tài xử lý đối với những trường hợp từ chối, né tránh giám định không có lý do chính đáng, cố tình kéo dài kết quả giám định, đưa ra kết quả giám định không đúng hoặc không rõ ràng, chung chung… nên việc thực hiện chưa nghiêm, trên thực tế có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, từ chối giám định.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, liên quan đến quy định về thời hạn hoàn thành giám định theo yêu cầu tại Quyết định trưng cầu giám định thường không khả thi theo yêu cầu của Cơ quan điều tra vì: đối với một số lĩnh vực phức tạp, liên quan các lĩnh vực khác nhau nhưng hồ sơ, tài liệu do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp tại thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định trong nhiều trường hợp còn chưa đầy đủ, tài liệu phục vụ giám định chỉ được thu thập đầy đủ đáp ứng yêu cầu giám định sau quá trình phối hợp làm việc, trao đổi, định hướng điều tra giữa giám định viên và điều tra viên;
Nội dung, vấn đề trưng cầu giám định tại thời điểm trưng cầu giám định còn chưa rõ ràng, mang tính chất tham vấn. Cơ quan trưng cầu giám định chưa có kết luận cụ thể về phạm vi, đối tượng vi phạm làm căn cứ xác định giám định thiệt hại.
Bên cạnh đó, về thời gian từ chối giám định, tại khoản 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp đã quy định: “Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Tuy nhiên, có trường hợp các tài liệu phục vụ cho một vụ việc giám định quá nhiều, các giám định viên không đủ thời gian xem xét để đưa ra ý kiến từ chối giám định khi nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn hoặc các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định. Do vậy, quy định thời hạn nêu trên tại Luật Giám định tư pháp là quá ngắn, không đủ để đánh giá hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc giám định viên có căn cứ từ chối giám định.
Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài; chất lượng kết luận giám định trong một số vụ án chưa chặt chẽ, còn chung chung, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu giám định, khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án, làm hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, cần bổ sung quy định về thời hạn giao nhận quyết định trưng cầu từ khi có yêu cầu đến khi đi giám định, thời hạn giám định lại.
Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Gia Túc cũng đề nghị, sửa đổi Luật Giám định tư pháp, cần bổ sung quy định về thời hạn tối đa thực hiện giám định để tránh tình trạng giám định chậm trễ, kéo dài hoặc có trường hợp Cơ quan trưng cầu ấn định thời gian quá ngắn, chưa phù hợp.
Còn theo Sở Tư pháp Cà Mau, cần bổ sung quy định về thời hạn giám định trong từng lĩnh vực khác nhau. Từ đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp, tránh trường hợp có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là với các vụ án tham nhũng đang được dư luận và Nhà nước quan tâm.
Trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương từ thực tiễn triển khai, thi hành Luật Giám định tư pháp, kết hợp với kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện Luật, theo bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, sẽ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.