Quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp tên miền có thể khiến người nộp đơn kiện đứng mãi ở cửa tòa mà không được nhận đơn.
Cùng với sự bùng nổ của Internet, dịch vụ tên miền cũng sôi động và trở thành nghề kiếm bộn tiền của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Không chỉ phát triển dịch vụ tư vấn đăng ký tên miền, nhiều tổ chức cá nhân còn phát triển theo hướng đầu tư tên miền để… bán.
Nhưng từ khi Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, siết chặt quản lý tài nguyên viễn thông thì dường như việc mua bán tên miền đã giảm hẳn. Nhiều người đầu cơ tên miền bị “mất trắng” khi những tên miền mà họ đăng ký nhưng không sử dụng mà chỉ nhăm nhăm tìm người mua bán đã bị thu hồi.
Đầu tư vào tên miền để bán hết cửa làm ăn nên đã nhiều “nhà đầu tư” rời bỏ lĩnh vực dịch vụ tưởng như rất béo bở này. Tuy nhiên, có vẻ như “ngành” dịch vụ tên miền lại có cơ hội sống dậy khi dự thảo nghị định (NĐ) về quản lý, sử dụng Internet quy định cụ thể về việc chuyển nhượng tài nguyên viễn thông.
Trong dự thảo NĐ cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền, đặc biệt là những tên miền do các tổ chức, cá nhân đăng ký để bán có nguy cơ tranh chấp cao. Tuy nhiên, dự thảo NĐ quy định các cơ chế giải quyết tranh chấp và thủ tục để các bên liên quan được giải quyết lại không phù hợp, dẫn đến việc các cá nhân, tổ chức đi kiện có thể phải ôm đơn đứng mãi ở cổng tòa mà không được giải quyết. Để làm rõ hơn vấn đề này, đồng thời góp thêm ý kiến đối với cơ quan xây dựng chính sách hoàn thiện pháp luật, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh, Trưởng VPLS Trí Minh.
Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về hệ thống các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến việc mua bán, sử dụng tên miền Internet?
Tên miền đang được sử dụng hiện gồm hai loại là tên miền quốc gia (có đuôi “.vn”) và tên miền quốc tế (đuôi “.com”) với các quy chế quản lý, sử dụng khác nhau. Pháp luật nước ta chỉ quy định liên quan đến việc quản lý và sử dụng tên miền quốc gia.
Theo Luật Viễn thông thì tên miền quốc gia được xác định là tài nguyên viễn thông do nhà nước cấp phát cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Các quy định của pháp luật về đăng ký (cấp phát) và sử dụng tên miền quốc gia về cơ bản là phù hợp với yêu cầu quản lý, sử dụng tên miền. Nhưng quy định về mua bán, chuyển nhượng tên miền thì còn nhiều tranh cãi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông thì quy định nào chưa phù hợp với thông lệ?
Hiện trong Luật Viễn thông và các văn bản dưới luật vẫn coi tên miền là tài nguyên Internet do Nhà nước quản lý. Có thể hình dung tài nguyên Internet chẳng khác gì đất đai do nhà nước thống nhất quản lý. Cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu sử dụng thì đăng ký và được cấp phát tên miền mà tổ chức, cá nhân đó đăng ký. Việc đăng ký, sử dụng tên miền không bị giới hạn về thời gian nhưng có thể bị gián đoạn dẫn đến mất quyền nếu chủ sở hữu quên nộp phí khi đến hạn.
Tôi cho rằng, quan niệm tên miền là tài nguyên là chưa phù hợp với bản chất của tên miền và có thể ảnh hưởng đến quyền của người đăng ký cũng như các giao dịch liên quan đến tên miền. Hiện thông lệ quốc tế vẫn coi tên miền là tài sản và người sở hữu tên miền có quyền chuyển nhượng, cho thuê tên miền.
Theo tôi, nên quy định tên miền là tài sản thuộc sở hữu của người đăng ký vì bản chất tên miền là dãy ký tự chữ và số dễ nhớ được sử dụng thay thế cho một địa chỉ Internet (IP) là dãy số khó nhớ. Tên miền là một sản phẩm, là kết quả đầu tư phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại nên nó phải là tài sản mới đúng.
Hơn nữa, quy định tên miền là tài sản sẽ dễ dàng hơn trong việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp. Quy định hiện hành cũng như quy định trong dự thảo nghị định sẽ gây khó dễ cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tên miền.
Các quy định mới trong dự thảo NĐ về quản lý, sử dụng Internet có khắc phục được hạn chế của các quy định hiện hành không, thưa ông?
Trong dự thảo NĐ về quản lý, sử dụng Internet thì quy định về tên miền và giải quyết tranh chấp tên miền vẫn chỉ là tập hợp các quy định cũ, không có gì mới. Điều đáng quan tâm hơn là các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong dự thảo quy định 3 cơ chế giải quyết tranh chấp là thông qua hòa giải, trọng tài và giải quyết bằng tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, với quy định như trong dự thảo thì không khả thi, thậm chí là gây khó cho các bên tranh chấp, như tại khoản 3, Điều 17 dự thảo NĐ quy định phải có đủ 4 điều kiện mới xem xét giải quyết tranh chấp là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Một số điều kiện quy định trong điều luật này vốn là yêu cầu về nội dung tranh chấp tên miền chứ không phải là yêu cầu về thủ tục thụ lý giải quyết tranh chấp. Nếu quy định như vậy có thể khiến tòa án từ chối nhận đơn của đương sự vì khi tòa chưa thụ lý thì đương sự khó mà chứng minh được các điều kiện mà pháp luật đòi hỏi.
Theo ông, cần xây dựng pháp luật theo hướng nào để việc phát triển tên miền có thể trở thành một lĩnh vực dịch vụ pháp triển và việc giải quyết được thuận lợi hơn?
Tên miền vốn dĩ là một loại tài sản nên cần xây dựng pháp luật theo hướng xác định đây là tài sản. Như vậy, việc chứng minh, bảo vệ quyền lợi của đương sự sẽ dễ dàng hơn vì hiện nay, các quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản, quyền tài sản cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp về tài sản đã khá hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!
Khoản 3. Điều 17 Dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng Internet
Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền: a) Điều kiện xem xét giải quyết tranh chấp tên miền Điều kiện xem xét giải quyết tranh chấp tên miền phải đảm bảo đầy đủ cả bốn yếu tố sau: Người khiếu kiện phải gửi đơn khiếu kiện và các giấy tờ, bằng chứng (nếu có) có liên quan đến việc tranh chấp tên miền đến một trong các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm 1 Điều này (tòa án, trọng tài); Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của Người khiếu kiện; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà Người khiếu kiện là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp. Người bị khiếu kiện không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó. Tên miền đã được Người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với Người khiếu kiện. |
Bình Minh