Theo quy định pháp luật hiện hành, “rào chắn” duy nhất các đơn vị tổ chức biểu diễn cần phải vượt qua để có thể thực hiện chương trình là các quy định của Quy chế 47 với các điều kiện về cấp phép biểu diễn. Có đủ các điều kiện đó, cầm trong tay giấy phép biểu diễn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền là họ có thể nghiễm nhiên cho rằng chương trình của mình đã hoàn toàn hợp pháp. Trong khi đó, về phía đại diện quyền tác giả, hầu hết các nhạc sỹ cho rằng: Quy chế 47 hiện nay đã… “vi phạm quyền tác giả”(?).
Sự lên tiếng của các nhạc sĩ về tác quyền. |
“Cuộc chiến” mang tên “Ru tình”
Câu chuyện về quyền tác giả của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đối với chương trình “Ru tình” của Liên đoàn xiếc Việt Nam là một ví dụ điển hình về sự mâu thuẫn giữa pháp luật hiện hành và quan điểm về quyền tác giả.
Liên đoàn xiếc Việt Nam đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép thực hiện chương trình Ru tình với các ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, Liên đoàn lại không có được sự đồng ý về quyền tác giả. Bởi vào thời điểm này, bà Trịnh Vĩnh Trinh - người thừa kế quyền tác giả của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - đã ký hợp đồng cho phép một đơn vị khác sử dụng độc quyền ca khúc của nhạc Trịnh trong khoảng thời gian mà “Ru tình” của Liên đoàn xiếc được diễn ra. Không chỉ đại diện gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, VCPMC, mà cả giới nhạc sỹ cũng xôn xao bày tỏ sự phản ứng, cho rằng Liên đoàn xiếc không được sự đồng ý của đại diện quyền tác giả mà cơ quan quản lý vẫn cấp phép là vi phạm quyền tác giả.
Về phía cơ quan cấp phép, trả lời báo chí, họ cho rằng việc cấp phép cho Liên đoàn xiếc thực hiện chương trình là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành. Với các điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn, chương trình “Ru tình” của Liên đoàn xiếc không hề vi phạm. Hợp đồng sử dụng tác phẩm không phải là yêu cầu đối với việc cấp phép biểu diễn. Vì thế, họ hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp phép và tất nhiên không thể thu hồi giấy phép của họ.
“Cuộc chiến” “Ru tình”... |
“Ông nói ông phải, vãi nói vãi hay”
Từ thực tế hiện nay, mỗi năm có hàng trăm cuộc biểu diễn, chương trình ca nhạc có quy mô lớn, doanh thu một đêm diễn hàng có thể lên tới chục tỷ đồng. Thế nhưng số cuộc biểu diễn thực hiện trách nhiệm đối với quyền tác giả lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với một số tiền ít ỏi. Rất hiếm hoi các đơn vị tổ chức tự nguyện thực hiện trách nhiệm đối với quyền tác giả. Lý do chủ yếu là bởi luật về quyền tác giả không có chế tài mạnh mẽ đối với hành vi vi phạm luật, vì thế, những người tổ chức cố tình coi thường luật, bỏ qua trách nhiệm đối với quyền tác giả. Hiện nay, một số tác giả hàng năm nhận được một khoản tiền an ủi, chỉ là bởi sự nỗ lực của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Theo quy định pháp luật hiện hành, “rào chắn” duy nhất các đơn vị tổ chức biểu diễn cần phải vượt qua để có thể thực hiện chương trình là các quy định của Quy chế 47 với các điều kiện về cấp phép biểu diễn. Có đủ các điều kiện đó, cầm trong tay giấy phép biểu diễn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền là họ có thể nghiễm nhiên cho rằng mình chương trình của mình đã hoàn toàn hợp pháp.
Trong khi đó, theo phía đại diện quyền tác giả, bao gồm cả các nhạc sĩ, Quy chế 47 với việc quy định điều kiện để được cấp phép biểu diễn không cần đến giấy tờ chứng minh hợp đồng quyền tác giả là không đúng luật. Và, khi nhà quản lý cho phép tổ chức một chương trình nghệ thuật mà không có sự đồng ý của tác giả tác phẩm được sử dụng thì đó là một sự “lạm quyền”. Các nhạc sỹ cho rằng chỉ có họ (hoặc người thừa ủy quyền của họ là trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) mới là người được quyền cho phép, hay cấp phép cho ai đó biểu diễn tác phẩm của họ.
Hành chính hóa để cải thiện tình hình?
Hiện nay, giấy phép được cấp cho một chương trình nghệ thuật chỉ chứng tỏ được rằng những nội dung biểu diễn của chương trình nằm trong phạm vi được phép, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không có các ca sỹ bị cấm biểu diễn, không có nhạc phẩm không được phép phổ biến... Và, Cục Nghệ thuật biểu diễn có lý khi cho rằng quyền tác giả không phải là đối tượng thuộc phạm vi quản lý của họ.
Thế nhưng, để một cuộc biểu diễn, cần nhiều điều kiện hơn thế. Đó là sự đồng ý của người biểu diễn, là sự đồng ý của cơ sở cho thuê địa điểm... và sự đồng ý của người sở hữu quyền tác giả cũng là một trong số điều kiện cần đó. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thực thi luật pháp về quyền tác giả quá bị xem nhẹ. Dựa vào nguyên tắc thỏa thuận dân sự của Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng sử dụng tác phẩm đã cố chây ì trong việc thực hiện Luật, thực hiện trách nhiệm đối với quyền tác giả.
Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đang trong quá trình lấy ý kiến để ban hành – thay thế cho Quy chế 47. Trong nội dung của dự thảo, việc thực thi quyền tác giả chỉ dừng lại mức yêu cầu các đối tượng tổ chức biểu diễn, phát hành, kinh doanh… tác phẩm phải “cam kết thực hiện quyền tác giả” mà vẫn không là một yêu cầu bắt buộc. Trong khi đó, ở lĩnh vực dược phẩm và xuất bản, văn bản chứng minh việc thực hiện quy định của luật sở hữu trí tuệ là một điều kiện bắt buộc trong hồ sơ cấp phép.
Thiết nghĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cơ quan quản lý ngành văn hóa cũng không nên bỏ qua yếu tố này. Bởi trong khi hệ thống xét xử của lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng còn nhiều hạn chế, thì để Luật được thực thi, có lẽ biện pháp duy nhất chỉ là “hành chính hóa” mối quan hệ này...
Vân Tùng