Dịch COVID-19 sáng 19/2: Indonesia phạt nặng người không tiêm vắc-xin, Trung Quốc phản bác chỉ trích về điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2

Người dân thủ đô Moscow (Nga) đeo khẩu trang đi trên phố.
Người dân thủ đô Moscow (Nga) đeo khẩu trang đi trên phố.
(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 01 giờ ngày 19/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 110.633.075 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.445.369 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 85.481.870 người.

Cho đến nay, Mỹ đã có 502. 714 ca tử vong trong tổng số 28.460.179 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 156.121 ca tử vong trong số 10.962.086 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 242.178 ca tử vong trong số 9.979.276 bệnh nhân.

Indonesia phạt nặng những người không chịu tiêm phòng

Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19.

Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh COVID-19. Đây là mức phạt cao nhằm buộc người dân phải tuân thủ quy định mới là phải tiêm phòng. 

Trong chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa dịch COVID-19 được khởi động hồi tháng trước, Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân ở nước này trong vòng 15 tháng. 

Hồi đầu tháng này, Indonesia đã công bố sắc lệnh của tổng thống, theo đó, bất kỳ ai không chịu tiêm phòng COVID-19 có thể không được nhận hỗ trợ xã hội hay các dịch vụ của chính phủ hoặc phải nộp phạt. Mức phạt sẽ do cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương quyết định. 

Theo cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Saiful Mujani thực hiện tháng 12/2020, chỉ có 37% trong tổng số 1.202 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng COVID-19, 40% chưa có quyết định và 17% cho biết sẽ từ chối tiêm phòng.

Ngày 18/2, Indonesia cho biết có thêm 9.039 ca mắc COVID-19 và 181 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 1.252.685 và 33.969, là quốc gia có số người mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Các nhân viên y tế được tiêm ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/1. Ảnh: REUTERS.
 Các nhân viên y tế được tiêm ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/1. Ảnh: REUTERS.

Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày, Nga, Đức thông báo có thêm hàng nghìn ca nhiễm mới

Malaysia ngày 18/2 thông báo ghi nhận thêm 25 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - là ngày có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận thêm 2.712 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận gần 275.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.030 trường hợp không qua khỏi.

Trong khi đó, với 1.744 ca mắc mới COVID-19, tổng số ca mắc bệnh tại Philippines hiện là 555.163 người, trong đó có 11.673 trường hợp không qua khỏi.

Ngày 18/2, Nga cho biết nước này có thêm 13.447 ca nhiễm mới, trong đó có 1.950 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.125.598 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 480 người không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 81.926 ca.

Theo hãng tin Interfax của Nga, nước này dự định sẽ đăng lý lưu hành loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ ba là CoviVac vào ngày 20/2 tới.

Trong khi đó, tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 18/2 cho biết số ca nhiễm mới tăng 10.207 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.360.606 ca. Tổng số người không qua khỏi tại nước này cũng tăng lên 66.698 người sau khi ghi nhận thêm 534 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Mexico bắt giữ 6 đối tượng buôn vắc-xin phòng COVID-19 giả

Ngày 17/2, cảnh sát miền Bắc Mexico đã bắt giữ 6 đối tượng bị cáo buộc buôn bán vaccine phòng COVID-19 giả. Theo Bộ An toàn công cộng liên bang, các đối tượng này bị bắt giữ ở bang Nuevo León, miền Bắc Mexico.

Trợ lý Bộ trưởng Y tế, Hugo Lopez-Gatell cho biết vắcxin được làm giả của hãng Pfizer, loại vắcxin duy nhất có sẵn ở Mexico thông qua các nhóm tiêm chủng của chính phủ. Ông cho biết các nghi phạm đã chào bán vắcxin giả với giá khoảng 2.000 USD/liều.

Theo Bộ Y tế Mexico, vắcxin giả được chào bán tại các cơ sở y tế ở ngoại ô thành phố Monterrey, miền Bắc nước này.

Cho đến nay, Mexico đã phân phối hơn 1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, song 750.000 nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch của nước này vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ cả hai mũi.

Trung Quốc phản bác chỉ trích về điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2

Theo Tân Hoa xã, ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích một số chính trị gia phương Tây hoài nghị tính công bằng của cuộc điều tra gần đây nhằm truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc thực hiện, đồng thời cho rằng sự công bằng không có nghĩa là "theo lệnh của phương Tây."

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, không thiên vị không có nghĩa là giả định phạm tội nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan cũng có thể tham gia công tác truy tìm nguồn gốc virus này trên toàn cầu một cách tích cực, trên cơ sở khoa học và hợp tác, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ.

Hôm 9/2 vừa qua, nhóm điều tra chung của WHO và Trung Quốc đã kết thúc cuộc điều tra tại Vũ Hán mà không cung cấp bất kỳ thông tin sâu nào về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Theo một chuyên gia của WHO, virus SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ động vật sang người và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Ngay sau khi phái đoàn WHO rời khỏi Trung Quốc, nhiều chính trị gia tại Washington đã lập tức lên tiếng bày tỏ thái độ hoài nghi về kết quả điều tra cho dù các kết luận chưa được công bố.

Đọc thêm

Tấn công khủng bố kinh hoàng đầu năm mới tại Mỹ

Hiện trường vụ đâm xe. (Ảnh: NBC News)
(PLVN) - Một vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại Bourbon Street, khu phố Pháp nổi tiếng của New Orleans vào ngày đầu năm mới. Một người đàn ông đã lái xe tải lao thẳng vào đám đông, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Vụ việc đang được điều tra như một hành động khủng bố, gây chấn động cả nước Mỹ.

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm
(PLVN) - Những ngày cuối cùng của năm 2024 chứng kiến loạt tai nạn chấn động trên thế giới, từ vụ va chạm tàu hỏa tại Mỹ, tai nạn máy bay ở Hàn Quốc, đến các sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn ở Bangladesh, cá mập tấn công người ở Australia và vụ nổ nhà máy thuốc nổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi sự kiện đều gây mất mát lớn về người và tài sản, nhắc nhở chúng ta chú ý, tăng cường hơn các giải pháp bảo đảm an toàn...

Hành trình vaccine từ phòng thí nghiệm đến mũi tiêm

Ấn Độ đã trở thành trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. (Ảnh: Viện Huyết thanh Ấn Độ - npr.org)
(PLVN) - Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến đại dịch COVID-19, sự ra đời của vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học, mang lại hy vọng và sự sống cho hàng triệu người trên thế giới. Dù vậy, ít ai hiểu rõ câu chuyện đằng sau mỗi liều vaccine là những năm tháng nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất miệt mài. Đó là một quá trình dài hơi, đòi hỏi không chỉ sự chính xác khoa học mà còn cả những cam kết về an toàn, đạo đức và hợp tác quốc tế.