Tốc độ tăng trưởng dân số chậm nhất trong 10 năm qua
Theo Time, ước tính 1,5 triệu người ở độ tuổi về hưu đã di cư từ các tỉnh miền Bắc Trung Quốc lạnh giá để đến định cư tại đảo Hải Nam ấm áp. “Chúng tôi yêu bầu không khí nơi đây”, ông Li An Xiao, 85 tuổi cho biết. “Hãy nhìn những gốc cây và hoa lá mà xem. Bầu không khí biển cả trong lành khiến chúng tôi trở nên khỏe mạnh hơn bao giờ hết”.
Đầu năm 2019, Viện Khoa học Xã hội công bố báo cáo khẳng định đến năm 2050, cả Trung Quốc sẽ có tới 487 triệu người trên 60 tuổi, chiếm gần 35% dân số. Các nhà đầu tư bất động sản ở Hải Nam chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc, nhưng tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là khá u ám. “Dân số già sẽ là vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai”, Time dẫn lời ông Stuart Leckie, Chủ tịch Stirling Finance Ltd, hãng tư vấn ở Hong Kong.
Trong khi đó, NBC News dẫn lời các chuyên gia cho rằng, con số trên vẽ ra một viễn cảnh rằng, Trung Quốc đang đối diện với “bom nổ chậm” nhân khẩu học, khi nhiều người Trung Quốc có thể rơi vào kịch bản chưa chứng kiến đất nước phát triển thì đã nghỉ hưu, hay nói cách khác là “chưa kịp giàu thì đã già”.
Để so sánh, tốc độ tăng trưởng dân số trong 10 năm qua ở Trung Quốc là thấp nhất nếu so với 7 lần tổng kiểm tra dân số trước đó. Trong lần thống kê năm 2010, dân số Trung Quốc tăng 5,84%. Điều đáng nói là, trước kỳ kiểm đếm năm 2010, dân số Trung Quốc luôn tăng trưởng với tỷ lệ 2 chữ số, theo Straits Times.
Thách thức với kinh tế vĩ mô
Ngoài ra, số lượng trẻ em ra đời ở Trung Quốc tiếp tục giảm dù Chính phủ nước này đang nỗ lực khuyến khích người dân sinh đẻ thêm. Năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con mà nước này áp dụng trong hàng chục năm, trong một nỗ lực nhằm kích thích tăng dân số. Năm ngoái, Trung Quốc có thêm 12 triệu trẻ em ra đời và tỷ lệ sinh ở nước này là 1,3. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mốc 18 triệu và 17 triệu ghi nhận năm 2016 và 2017.
Ủy viên Cục Thống kê Quốc gia Ning Jizhe cho biết, con số trẻ em được sinh ra giảm là kết quả tự nhiên của việc Trung Quốc phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Và ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, bao gồm việc chi phí nuôi con và gánh nặng với phụ huynh ngày càng lớn. Đại dịch Covid-19 năm ngoái cũng là lý do khiến nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ cảm thấy lo ngại, khiến họ giảm bớt mong muốn sinh con.
Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ nhờ vào lực lượng lao động trẻ, lành nghề. Dân số già có nghĩa là nước này sẽ phải chăm sóc rất nhiều người già, trong khi số người trong độ tuổi lao động gánh trên vai chi phí hưu trí và chăm sóc y tế giảm đi. Ở Trung Quốc, tỷ lệ người phụ thuộc (người quá trẻ hoặc quá già để làm việc) dự kiến tăng lên đến gần 70% dân số vào năm 2050 so với 36% của năm 2016.
Ngoài ra trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế vĩ mô. Dân số giảm đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng và sản lượng sản xuất sụt giảm. Thị trường lao động bị thu hẹp sẽ đẩy mức lương tăng cao, khiến các ngành công nghiệp thiên về xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh. Đây là vấn đề lớn với nền kinh tế sản xuất, phụ thuộc vào lao động như Trung Quốc.
Tất nhiên Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất vật lộn với vấn đề dân số già. Hàn Quốc, Nhật Bản và hàng loạt nước phương Tây cũng có tỷ lệ sinh thấp, dân số già và giảm sút. Nhưng theo trang Geopolitical Futures, Trung Quốc khác biệt ở 4 điểm so với các quốc gia này.
Thứ nhất, tình trạng này xảy ra nhanh hơn tại Trung Quốc. Tỷ lệ dân số già của Trung Quốc tăng vọt từ dưới 10% lên 25% chỉ trong 25 năm. Tại các quốc gia phương Tây, quá trình này diễn ra chậm hơn, thường là hơn 100 năm. Trung Quốc sẽ có quá ít thời gian để thích nghi. Thứ hai, tình trạng dân số già xảy ra tại Trung Quốc quá sớm trong chu kỳ phát triển. Nói cách khác, Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có.