Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội có chiếc 'áo' mới, đủ rộng để vươn tầm phát triển

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
(PLVN) - Ngày 28/6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhấn mạnh đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, với việc này, TP Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giờ đây thực sự được “mặc” một chiếc áo mới, đủ vừa vặn để đẹp đẽ, đủ rộng để vươn tầm phát triển.

Nền tảng pháp lý đồng bộ để Hà Nội vươn tầm

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thủ đô nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng.

“Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giờ đây, thực sự được “mặc” một chiếc áo mới, đủ vừa vặn để đẹp đẽ, đủ rộng để vươn tầm phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là TP trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”, Đại biểu nói.

Tương tự nhiều đại biểu Quốc hội và những người yêu văn hóa Thủ đô khác, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết ông thực sự cảm thấy hạnh phúc khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho sự phát triển văn hóa.

Lấy dẫn chứng, ông Bùi Hoài Sơn cho biết, Luật đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Điều này được cụ thể hóa bằng các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế; đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

'Cú huých' tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo

Đặc biệt, vị đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội nhìn nhận, Luật Thủ đô (sửa đổi) như một "cú huých", tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

“Đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đi đầu cả nước, Hà Nội còn là TP đầu tiên tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, dành riêng một nghị quyết của Thành ủy cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sức sống của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thể thấy hàng ngày qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ở các phố đi bộ, những cây cầu vượt, hay ngay cả những khu tập thể cũ, các nhà máy cũ, thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là những bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành những địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ.

Phân tích, ông Bùi Hoài Sơn cho biết, tại Điều 21 của Luật, những điểm nghẽn như làm sao có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của bãi giữa sông Hồng, để không chỉ làm nên sức sống mới cho dòng sông này, mà còn tạo ra lợi thế mới, không gian mới cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và cả kinh tế - xã hội của Thủ đô đã được tháo gỡ bằng quy định “TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch”.

Trong khi đó, những khó khăn trong việc biến di sản thành tài sản, để những giá trị của khu phố cổ, làng nghề truyền thống sẽ được giải quyết qua quy định về việc “TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Không chỉ dừng lại ở những quy định ở Điều 21 về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, Đại biểu cho rằng, tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước còn được thể hiện ở những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa khi quy định cho phép “áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn TP. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo” (Điều 39).

Hay điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng tài sản công được tháo gỡ bằng cách quy định: “Cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công quy định tại khoản 2 Điều này trên địa bàn TP được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định” (Điều 41)…

“Tôi cho rằng, những tháo gỡ này sẽ không chỉ giúp cho các thiết chế văn hóa của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với trái tim văn hóa của cả nước, mà còn giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao lớn của Trung ương ở Hà Nội phát huy hơn nữa giá trị của mình, đóng góp nhiều hơn vào bức tranh văn hóa, thể thao chung của đất nước từ Thủ đô”, Đại biểu nói.

Vị Đại biểu nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.

Điều này sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả; định hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng; tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới.

“Đó cũng là giấc mơ của không chỉ riêng tôi, các đại biểu Quốc hội Hà Nội, người dân Thủ đô, mà còn cả Nhân dân cả nước!”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...