2 nhiệm kỳ QH mới có 2 dự án trình
Sáng nay, 28/5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C được quy định từ Điều 7 đến Điều 10 của dự thảo Luật, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, nhiều ý kiến ĐB đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành.
Tuy nhiên, Chính phủ và một số ĐB đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.
Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ QH (UBTVQH) xin ý kiến ĐB theo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 đề nghị giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Phương án 2 đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành. UBTVQH nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành.
Cho ý kiến về nội dung trên tại phiên họp, ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) thống nhất với quan điểm của UBTVQH là giữ nguyên như Luật hiện hành.
“Mức vốn 10 ngàn tỷ không bất cập, QH khóa XIII, khóa XIV chỉ có 2 dự án trình QH. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít; điều chỉnh tăng lên 20 ngàn tỷ có thể không còn dự án nào trình QH”, ĐB nhận định.
ĐB Hoàng Quang Hàm. |
Theo ĐB Hàm, QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để QH không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa trình QH sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù.
ĐB Hàm cũng cho rằng việc lý giải mức vốn 10 ngàn tỷ hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20 ngàn tỷ đồng là không thuyết phục.
“Mức 10 ngàn tỷ giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Sẽ là hợp lý nếu giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia chỉ là 5 đến 6 ngàn tỷ và mỗi một giai đoạn 5 năm có khoảng 2 đến 3 dự án trình QH. Và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10 ngàn tỷ là phù hợp. Thực ra mức 10 ngàn tỷ cũng đã là cao so với qui mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia”, ĐB nói.
QH quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau.
UBTVQH xin ý kiến ĐB theo 2 phương án. Trong đó, ở phương án 1, UBTVQH và đa số ĐB đề nghị quy định QH quyết định Kế hoạch ĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Ở phương án 2, Chính phủ và một số ĐB đề nghị quy định QH quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch ĐTCTH được QH thông qua.
Tại phiên họp, đa số ý kiến các ĐB tán thành với phương án 1. Về nội dung này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhìn nhận việc quyết định danh mục ĐTCTH là thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Theo ĐB, việc QH quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Về bản thất, kế hoạch ĐTCTH và danh mục dự án chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn chi đầu tư phát triển.
“Nếu bây giờ Chính phủ quyết định kế hoạch này, đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, dẫn đến ngược quy trình, ngược thẩm quyền, dẫn đến nghịch lý QH sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm”, ĐB phân tích.
Bên cạnh đó, theo ĐB, công khai minh bạch, là yêu cầu căn bản, nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục cơ chế xin cho, giảm gánh nặng cho địa phương trong đề xuất dự án. “Việc trình QH sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các ĐBQH có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình”, ĐB Mai nói.
“Nếu QH không quyết định danh mục dự án là bước lùi cho phân bổ ngân sách. Trong lịch sử QH những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được Quốc hội và Uỷ ban thường vụ QH thực hiện nên bây giờ không nên tạo ra một tiền lệ khác”, ĐB Mai nhận định.
Về mặt logic, ĐB Mai cho rằng QH sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu không biết rằng nguồn tiền rất lớn đó được phân bổ cho mục tiêu nào, cho dự án cụ thể nào. Việc trình danh mục là căn cứ để QH quyết định tổng mức đầu tư.
Về băn khoăn việc trình QH làm chậm tiến độ dự án, ĐB Mai cho biết, qua giám sát thực tế cũng như qua báo cáo của Chính phủ cho thấy nguyên nhân của giải ngân chậm của một số dự án chậm tiến độ là do tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu hạn chế.