Chiều nay (18/10) tại Tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Họp báo về kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14. Dự kiến chương trình kỳ họp sẽ kéo dài trong 26 ngày, khai mạc ngày 20/10 và bế mạc 23/11/2016.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ bàn về các vấn đề quan trọng của tình hình kinh tế, xã hội đất nước, tuy nhiên, ở kỳ họp này, QH sẽ tập trung nhiều vào công tác lập pháp.
“63% thời lượng chương trình sẽ dành cho công tác lập pháp' ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết. .
Về chương trình giám sát, Kỳ họp này sẽ giành 2,5 ngày làm việc để các đại biểu giám sát hoạt động của Chính phủ và thành viên chính phủ.
Về những đổi mới trong kỳ họp của Quốc hội khóa 14, ông Phúc cho biết “Đây là một trong những nội dung QH khóa 14 đang suy nghĩ để tiếp tục nâng cao, đặc biệt là trong công tác lập pháp.”
Ông Phúc cho biết một số đổi mới tại kỳ họp lần này: Trong quá trình thẩm tra, sẽ có các hội nghị chuyên đề để các chuyên gia cùng tham gia góp ý vào các dự luật. Quá trình xin ý kiến của Quốc hội, cũng sẽ được tiến hành nghiêm ngặt. Luật nào còn nhiều ý kiến khác nhau, sẽ xem xét lại rất cẩn trọng.
“Ví dụ trong chương trình có thông qua luật Hình sự. Nhưng nếu trong quá trình bàn, thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ sẵn sàng rời tiếp sang kỳ họp sau.” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Ông Phúc cho biết thêm: “Các phiên tranh luận trong hội trường cũng sẽ đổi mới, với mục tiêu tạo điều kiện tranh luận tối đa cho các đại biểu. Chúng tôi cố gắng để quá trình chất vấn sẽ đảm bảo cho các đại biểu được trao đổi hết vấn đề. Trong quá trình trao đổi, sẽ cố gắng để các đại biểu có ý kiến được trình bày hết. Nếu thành viên chính phủ không đủ thời gian trả lời hết thì sẽ trả lời bằng văn bản.”
Để tạo điều kiện cho cử tri nắm bắt thông tin,trong chương trình nghị sự kỳ này sẽ có 13 buổi truyền hình trực tiếp.