“Giám sát mà khen nhiều, không rút ra bài học thì gọi điện đến chúc mừng cho đỡ tốn kém”
Theo nhận định của ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - trong chức năng quản lý Nhà nước thì vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra và kiến nghị để xử lý, sửa đổi các chính sách kịp thời rất cần thiết. Tuy nhiên, giám sát cần tập trung những điểm trọng tâm để rút ra được vấn đề sau giám sát, từ sửa đổi, điều chỉnh pháp luật đến xử lý được những sai phạm.
Sự bất cập trong công tác giám sát cũng được ông Lợi viện dẫn qua báo cáo của các địa phương, các ngành về giám sát, thông tin về số liệu báo cáo cho Đoàn giám sát. Theo ông, những báo cáo này chưa kịp thời và nhiều số liệu thiếu chính xác.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) |
Theo ông Lợi, số liệu không đúng nên khi ra chính sách và thực hiện thì chính sách không đáp ứng được nhu cầu của ngân sách. Ví dụ điển hình mà ông Lợi lấy ra làm dẫn chứng là khi giám sát chính sách pháp luật về người có công với cách mạng. Các địa phương đã báo cáo một con số về các hộ gia đình người có công với cách mạng cần phải sửa chữa và xây mới nhà. Nhưng khi ban hành nghị quyết và bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện thì số lượng bổ sung tăng gấp hơn 10 lần, có địa phương tăng 47 lần.
Hay từ cuộc giám sát kết quả thực hiện về gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng có địa phương lại trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trình HĐND tỉnh.
“Đi giám sát mà như thế này thì làm sao đánh giá được cái đúng, cái sai và rút ra được bài học gì, trong khi tổ chức đoàn giám sát rất quy mô từ Trung ương xuống địa phương”.
Có một thực tế mà ông Lợi đã chỉ ra trong quá trình thực tế giám sát: “Tôi cảm tưởng trong các báo cáo giám sát khi đi thực tế chúng ta chê nhiều, thấy nhiều tồn tại nhưng đến báo cáo gửi cho các đại biểu Quốc hội thì khen nhiều, chê ít. Tôi từng nói nếu chúng ta khen nhiều không rút ra được gì thì thà rằng ở trên này gọi điện xuống chúc mừng và khen nhau thì tốt hơn là thành lập đoàn rồi tốn kém”.
Cũng liên quan đến kết luận trong giám sát, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh đó là sản phẩm cuối cùng của hoạt động giám sát thì phải phản ánh được thực trạng tình hình, nếu không thì biện pháp, giải pháp để khắc phục cũng không thể phát huy hiệu quả.
“Cuối cùng, đó là thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong kết luận giám sát. Nhiều khi chúng ta chú trọng đến quá trình giám sát nhưng sau đó kết luận giám sát của Quốc hội được triển khai thực hiện như thế nào?” – ông nói.
ĐB Nguyễn Thái Học cũng đề nghị cần có biện pháp, giải pháp để khắc phục cho được tính hình thức trong hoạt động giám sát. Tính hình thức ở đây thể hiện ở việc thành lập đoàn giám sát như thế nào, đối tượng giám sát ra sao, quá trình làm việc của hoạt động giám sát phải tránh cho được áp lực về mặt thời gian.
Tham gia góp ý về hoạt động giám sát, nhiều ý kiến ĐBQH cũng cho rằng hậu giám sát các ngành chức năng, các địa phương giải quyết, xử lý chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Chính vì thế mà cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị, như vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng, về môi trường vệ sinh an toàn thực phẩm, khiếu nại tố cáo, ...
Bộ máy kín, sao dân vẫn ai oán?
Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là nội dung mang tính chất rất quan trọng, cần đặt ra để có bộ máy nhà nước trong sạch.
“Bộ máy của chúng ta dường như là kín, có từ thôn xóm, tổ dân phố trở lên, chức năng đầy đủ, chặt chẽ nhưng tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để người dân ai oán?” – ĐB Bùi Văn Phương đặt câu hỏi giữa nghị trường.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) |
“Có người nói năng lực kém, nhưng cử tri nói năng lực không hề kém vì việc đó người ta biết cả, nhưng đằng sau có lợi ích chi phối nên làm ngơ cho xả thải chất độc ra môi trường, cho hàng gian, hàng giả lộng hành. Đấy là phẩm chất đội ngũ cán bộ bán không từ thứ gì, ăn không từ cái gì”.
Với những bức xúc của mình, ĐB tỉnh Ninh Bình đề nghị cần phải có chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Với chương trình giám sát này, ĐB cũng đề nghị cần xem lại việc quy trách nhiệm, bởi, nếu bộ máy cán bộ đi làm rồi khi xảy ra sai phạm thì đổ lỗi loanh quanh, dưới đổ lên trên, trên đổ xuống dưới và “trốn vào tập thể” thì cuối cùng không xử lý được, dân lại chịu.
Liên quan đến sự vận hành bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của công chức, viên chức, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: “Lâu nay vấn đề này, vấn đề kia nổi lên, dư luận ồn ảo nổi sóng thì chúng ta nhận ra rằng bộ máy Nhà nước có vấn đề xuất phát từ hành động của đội ngũ cán bộ.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) |
Chúng ta ai cũng nhận thấy, nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ biết trách nhiệm, bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều ách tắc, phiền hà, đầu tư dàn trải kém hiệu quả để hàng triệu USD lãng phí mỗi năm góp thêm vào nợ công; không có việc xả thải làm ô nhiễm và huỷ diệt môi trường khủng khiếp như ở Miền trung vừa qua; không có tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi; không có nạn cấp khống chứng nhận chất lượng thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn”
Và “nếu chúng ta có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh và đội ngũ cán bộ đạt chuẩn như tiêu chí xác định nông thôn mới thì chắc chắn không có tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan, hàng chục vạn dân nghèo phải khốn khổ vì đa cấp, hàng ngàn người rơi vào cùng quẫn khi vỡ nợ tín dụng đen”.
“Tôi cứ phân vân tự hỏi, vậy vai trò chính quyền địa phương ở đây là gì? Chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, đội ngũ cán bộ đông đảo nhưng hễ việc gì xảy ra trên địa bàn cũng không biết; kiểm tra, kiểm điểm rồi cũng không thấy rõ khuyết điểm thuộc về ai và cuối cùng luôn đúng quy trình” – ĐB Cương trăn trở.
Theo ông, sự vận hành của bộ máy Nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nguyên nhân chủ yếu của của nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội./.