Tại hội nghị, các đại biểu tán thành sự cần thiết của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận chất lượng về các vấn đề: Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV); tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề CCV; cơ chế đào tạo nghề công chứng; việc áp dụng Luật trong mối quan hệ với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử và chuyển đổi số hoạt động công chứng. Đặc biệt là một số hành vi bị nghiêm cấm mới đối với CCV, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
Lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện được sự nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn đối với việc bảo vệ, chăm sóc đối tượng đặc biệt này. Qua đó bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án, thi hành án phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; chú trọng giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nhiều đại biểu thảo luận rất sâu về một số nội dung trong dự thảo Luật hiện đang còn có ý kiến khác nhau, như: Chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt; các tội danh không được xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác xã hội…
Trước đó, ngày 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá cao một số điểm mới như: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch; tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Lãnh đạo sở xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch… Cùng với đó, đề xuất một số ý kiến chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo dựa trên thực tế các bất cập, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Trong khi đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu đánh giá đây là Quy hoạch có sự tiếp cận đa ngành, có sự tích hợp, lồng ghép, đồng bộ nhiều mảng thông tin, tính chuyên môn cao. Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính ngoài ngân sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, đào tạo nguồn nhân lực về biển và thực hiện Quy hoạch; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế…Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại các hội nghị để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.