Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho hay, thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng UBND cấp huyện đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thủy sản.
Tính đến tháng 2/2024, tổng số tàu cá của tỉnh được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) là 4.242 tàu; đến nay có 3.182 tàu đã đăng kiểm, 100% tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá.
Tổng số tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 3.643/4.242 chiếc (85,88%), trong đó, từ tàu 15m trở lên là 2.921 chiếc (94,25%).
Toàn tỉnh có 2.947/3.099 tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (99,32%). Hiện còn 20 tàu cá neo đậu trong và ngoài tỉnh chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chủ yếu tàu cá có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển.
Từ đầu 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 249 lượt với 184 tàu cá mất kết nối, xử phạt 26 trường hợp; xử lý 33 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển. Đã xử phạt 58 trường hợp/56 phương tiện với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.
Sở NN&PTNT đánh giá, công tác chống khai thác IUU tại Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa cao, vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó tỉ lệ tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa đạt 100%. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa được giám sát, theo dõi theo chuỗi từ tàu cá đến DN chế biến, xuất khẩu và sản lượng thủy sản được giám sát qua cảng cá chỉ định còn thấp...
Trong năm 2024, địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, BCĐ Quốc gia về IUU, của địa phương về việc tăng cường phòng, chống khai thác IUU.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến trong tháng 4) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” với việc khai thác thủy sản cho các tỉnh, thành ven biển của cả nước.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể như: Tăng thời lượng tuyên truyền trong đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 4; công tác thông tin, tuyên truyền cần đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt tập trung vào nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và quan điểm của tỉnh là cương quyết xử lý vi phạm, với chủ đề tuyên truyền: “Ngư dân Quảng Ngãi nói không với vi phạm khai thác IUU”.
Yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch sâu sát để quản lý đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiểm soát chặt chẽ tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép);
Có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; các đối tượng, tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài; phân công cán bộ, đảng viên cấp cơ sở quản lý, giám sát đến từng tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá “3 không”.
Các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá đi khai thác thủy sản nếu không đầy đủ các giấy tờ liên quan.
Tập trung xử lý triệt để các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới cho phép khi hoạt động trên biển; tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài. Với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài phải lập danh sách để theo dõi, quản lý, có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.