Quảng Nam: Xử lý 100% các tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị VMS gắn trên tàu cá ngư dân. (Ảnh: Mỹ Hoa)
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị VMS gắn trên tàu cá ngư dân. (Ảnh: Mỹ Hoa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức làm việc với người nhà của các chủ tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (GSHT - còn gọi là VMS) có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép để tổ chức khai thác hải sản trái phép.

Theo tiếp nhận thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam và qua theo dõi trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá, Sở NN&PTNT đã phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức buổi làm việc với người nhà của các chủ tàu có tàu cá mất kết nối GSHT trên biển có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép để tổ chức khai thác hải sản trái phép.

Cụ thể, vào lúc 14h30' ngày 13/3/2024, tại UBND xã Tam Giang (huyện Núi Thành), ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo IUU tỉnh chủ trì cùng với đại diện các lực lượng chức năng và các huyện Núi Thành, Thăng Bình tổ chức buổi làm việc với đại diện người nhà các chủ tàu cá mất kết nối GSHT trên biển.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thông tin tình hình số tàu cá liên quan đến vi phạm mất kết nối GSHT trên biển ngay sát ranh giới được phép khai thác hải sản của tàu cá Việt Nam trên hệ thống giám sát tàu cá, có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép để tổ chức khai thác hải sản trái phép; phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, các quy định về xử lý hành chính và hình sự với hành vi vi phạm tổ chức khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài hoặc hành vi môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép.

Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu hoặc người nhà các chủ tàu cá có liên quan khẩn trương liên hệ với thuyền trưởng các tàu cá nói trên nhanh chóng có tín hiệu GSHT tại vùng biển được phép khai thác hải sản của tàu cá Việt Nam và tuyệt đối không được đưa tàu cá sang vùng biển các nước khác khai thác.

Qua theo dõi từ ngày 15/3 đến 18/3, số tàu cá mất kết nối GSHT ở vùng biển giáp ranh Philippines của tỉnh vẫn chưa được khắc phục.

Với tình hình trên, nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Đại diện Sở NN&PTNT cho biết đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các tàu cá mất kết nối thiết bị GSHT.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Thanh tra Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản cho biết, từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.

Tuy nhiên, còn nhiều tàu mất kết nối VMS trong quá trình khai thác hải sản trên biển thường xuyên được các lực lượng liên quan cảnh báo/thông báo ngay cho các chủ tàu/thuyền trưởng nhanh chóng rời khỏi vùng biển thuộc khu vực cảnh báo.

Kết quả, từ 2023 đến nay, có 56 lượt tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày trở lên đã bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Sở NN&PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt 100% trường hợp vi phạm trên. Tổng số tiền phạt là trên 2 tỷ đồng và các hình thức phạt bổ sung khác theo quy định.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện ven biển huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Công điện 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023), các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, các văn bản khác có liên quan của Bộ NN&PTNT, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác chống khai thác IUU.

Tuyệt đối không để tàu cá tỉnh Quảng Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nếu địa phương, đơn vị nào lơ là, chủ quan, không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao mà để xảy ra sai phạm ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của tỉnh, quốc gia sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại Bình Định, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, sau đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10/2023, tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, đặc biệt là tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế Đoàn Thanh tra EC đã chỉ ra.

Một trong số những tồn tại đó là tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn, dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, xử lý, nhưng vì lợi ích kinh tế mà chủ tàu, thuyền trưởng đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15m) gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Định có 4 tàu bị nước ngoài bắt giữ thì tất cả 4 tàu xuất bến ngoài tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu 3 tàu, Tiền Giang 1 tàu), 3 tàu có chiều dài dưới 15m. Việc giám sát sản lượng tàu cá lên bến của các Ban Quản lý cảng cá còn nhiều khó khăn.

Từ đó, Bình Định đã tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá, yêu cầu các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị GSHT trước khi tham gia hoạt động khai thác.

Từ tháng 10/2023 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức 3 đoàn công tác vào làm việc tại các tỉnh phía Nam để phối hợp quản lý tàu cá của tỉnh; trực tiếp làm việc 105 với chủ tàu, thuyền trưởng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (tàu cá có chiều dài dưới 15m hoạt động nghề câu mực đi biển trong đợt cao điểm vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán), yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bình Định hiện có 3.221/3.244 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được trang bị thiết bị GSHT chiếm 99,29%, còn lại 23 tàu cá bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất nên chưa lắp thiết bị GSHT.

Ngành Nông nghiệp đã phát hiện và cảnh báo 519 lượt/321 tàu mất kết nối trên 6 giờ, trong đó mất kết nối trên 10 ngày có 7 lượt. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 100% trường hợp mất kết nối trên 10 ngày với số tiền 175 triệu đồng.

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đang tập trung thực hiện. Từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra chặt chẽ 221/940 lượt tàu rời cảng, 231/838 lượt tàu cập cảng, bảo đảm đạt yêu cầu về số lượt kiểm tra theo quy định.

Công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá đều được giám sát và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác.

Từ đầu năm 2024 đến nay đã xác nhận cho 67 hồ sơ cho 1.708 tấn, chứng nhận 118 hồ sơ cho 1.442 tấn cá các loại; bảo đảm đúng quy trình, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.