“Chỉ làm mặt sân…”
Không quá khó để trả lời câu hỏi nói trên nếu nhìn thẳng vào điều kiện kinh tế của địa phương này vào thời điểm hiện tại. Thế nên, việc chọn lựa lĩnh vực, thời điểm để kêu gọi đầu tư là một việc cần tính toán, thậm chí phải chọn phương án “chắc ăn”, tránh điều tiếng.
Bởi ngay cả giới kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp có thể tham gia đấu thầu dự án trên khi trao đổi với PLVN cũng tỏ ra thận trọng rằng, công trình SVĐ 1,5 vạn chỗ ngồi đối với Quảng Bình trong bối cảnh này có thực sự là công trình cần thiết?
“Nói thật, đã là nhà đầu tư, nếu bài toán kinh tế cho đáp số là có lợi nhuận thì họ làm ngay. Nhưng với góc độ của một nhà đầu tư có trách nhiệm thì sẽ đặt vấn đề Quảng Bình chưa dư dả, vẫn còn nhiều công trình, lĩnh vực cần kêu gọi thu hút đầu tư, tại sao không cân nhắc?”, lời của một đại diện doanh nghiệp xây lắp.
Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với PLVN, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết: “Năm 2016, tỉnh phải làm cật lực mới có được số thu ngân sách 3.200 tỷ đồng”.
“Vì thế , tỉnh chỉ tính chuyện giải phóng mặt bằng và trước mắt chỉ làm cái mặt sân, còn khu vực khán đài chỉ làm gờ bậc cao lên để ngồi tạm cho phù hợp với quy định về thiết chế văn hoá chứ không thể một lúc làm hoàn chỉnh với đầy đủ các hạng mục của sân”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình nêu quan điểm về Dự án SVĐ 1,5 vạn ghế ngồi.
Thử sức đơn vị tham mưu
Được biết, để chuẩn bị cho công tác triển khai các dự án đối tác công - tư (PPP), mới đây lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình từng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư thực sự cần thiết, khả thi, đặc biệt lưu ý không đầu tư tràn lan kém hiệu quả.
Theo đó, ngoài công trình SVĐ Đồng Hới, công trình quần thể tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường trung tâm TP Đồng Hới - là 2 dự án BT đầu tiên mà qua đó Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình phải thể hiện năng lực, vai trò tham mưu theo “đề bài” tỉnh giao.
“Vấn đề nói trên báo nêu có tính xây dựng. Vì thế, Sở sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi tham mưu UBND tỉnh về dự án SVĐ”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình Đinh Hữu Thành nói sau khi PLVN đề cập tới dự án này.
Theo một Thông báo mới đây của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, sau khi di dời SVĐ Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình dự kiến triển khai quần thể tượng đài Hồ Chí Minh với quy mô diện tích 5ha, trong đó có cả quảng trường và công viên cây xanh… tại vị trí này. Còn công trình SVĐ mới dự kiến rộng 7ha; quy mô xây dựng 1,5 vạn chỗ ngồi sẽ được triển khai ở phía Bắc TP Đồng Hới.
Dự án Tượng đài Hồ Chí Minh đã được trình ra Hội đồng nhân dân
Tuần trước, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, UBND tỉnh này đã trình HĐND tỉnh đề xuất Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao). Trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư) đã báo cáo phương án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trên vị trí SVĐ Đồng Hới hiện tại (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Đồng Hới, Quảng Bình). Dự toán kinh phí đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, do nhà đầu tư thu xếp.
“Việc xây dựng quần thể tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm tỏ lòng tưởng nhớ công lao của Người; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Ngoài tư cách là một nhà đầu tư quan tâm dự án, tôi cũng là một người dân kính trọng, ngưỡng mộ Bác, vì thế sẽ quyết tâm thực hiện dự án hoàn thành một cách tốt đẹp nhất”, ông Nguyễn Viết Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải nói. Được biết, để thực hiện dự án trên, tỉnh Quảng Bình sẽ giao lại một khu đất đẹp ven sông Nhật Lệ (thuộc phường Phú Hải, TP Đồng Hới) để nhà đầu tư thực hiện Dự án khu đô thị Nam cầu Dài, với diện tích gần 40ha.