Dù ngày thực thi luật đã cận kề nhưng hiện tại các địa phương còn bối rối vì thiếu ngân sách để mua sắm trang thiết bị.
Chưa được đầu tư
Để thực thi những nhiệm vụ này, công nghệ và thiết bị chuyên dùng là nhân tố quyết định. Chí ít họ phải có những thiết bị chuyên dùng như xuồng công tác hoạt động trong vùng quản lý, các thiết bị đo chỉ tiêu môi trường biển, máy đo các yếu tố BOD, COD, coliform, độ mặn, độ dẫn nhiệt, thiết bị lấy mẫu nước cũng như thiết bị định vị vệ tinh, địa vật lý, máy đo sâu hồi âm, đo sóng và dòng chảy…
Tuy nhiên đến nay, khi mà thời điểm Luật TNMT biển và Hải đảo đã sắp chính thức có hiệu lực, hầu như các Chi cục chưa được đầu tư gì về các loại cơ sở vật chất thiết yếu này.
Hiện các Chi cục Biển và Hải đảo chưa được đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác điều tra, khảo sát tài nguyên biển; kiểm soát ô nhiễm biển và phòng chống sự cố ô nhiễm trên biển; chưa có các loại bản đồ vùng ven biển sử dụng cho việc giao các khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển gây khó khăn cho công tác quản lý.
Chính vì vậy, mặc dù đã có cơ quan quản lý nhà nước TNMT biển cấp cơ sở song vẫn tồn tại sự chồng chéo, bất hợp lý, thiếu cơ sở điều chỉnh quy hoạch khai thác kinh tế ngành. Nhiều khu vực, hệ sinh thái biển và hải đảo vì khai thác quá mức đã bị tổn thương nghiêm trọng, khó phục hồi. Ô nhiễm môi trường biển diễn ra tại nhiều nơi, ngày càng mở rộng phạm vi và mức độ nguy hại.
Đã phê duyệt nhưng… thiếu vốn
Theo ông Lê Minh Trân - Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư về biển, hải đảo - các thiết bị chuyên dùng để tiến hành khảo sát trên biển của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hiện ở tình trạng thiếu về số lượng và thiếu một số thiếu bị công nghệ cao.
Để có thể thực hiện những dự án điều tra, nghiên cứu biển phục vụ chức năng quản lý Nhà nước, Tổng cục rất cần đầu tư tăng cường các thiết bị thuộc lĩnh vực trắc địa, địa chấn, địa vật lý, đo sâu hồi âm, các thiết bị lấy mẫu, thiết bị hải văn, môi trường...
Để giải quyết vấn đề này hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình và phê duyệt dự án “Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống quản lý tổng hợp và thống nhất TNMT biển và hải đảo” nhằm tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị điều tra TNMT biển, hải đảo cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh ven biển (đối với tỉnh chưa thành lập Chi cục, địa điểm đầu tư là các Sở TN&MT), mua sắm các thiết bị thiết yếu phục vụ công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.
Theo đó, khi được triển khai các đơn vị thuộc Tổng cục và các Chi cục sẽ được đầu tư các trang thiết bị quan trọng như: Thiết bị trắc địa để thu tín hiệu vệ tinh phục vụ cho việc xác định vị trí điểm khảo sát đo đạc, thiết bị phục vụ đo đạc trắc địa địa hình liên quan mật thiết đến biển và các khảo sát khác; thiết bị đo sâu hồi âm và phần mềm biên tập bản đồ, xử lý số liệu thủy âm để khảo sát độ sâu đáy biển, phân tích cột nước.
Đồng thời, phục vụ lập bản đồ địa hình nền đáy, khảo sát nền đáy biển và phần mềm biên tập bản đồ, xử lý số liệu thủy âm; thiết bị lấy mẫu; thiết bị hải văn, khí tượng, môi trường nhằm mục đích đo đạc các yếu tố vật lý - động lực biển, môi trường, sinh thái và khí tượng biển; thiết bị ghi hình đáy biển; thiết bị gia công, phân tích và lưu trữ tư liệu... Dự án đã được phê duyệt vào cuối năm 2015, tuy nhiên hiện vẫn chưa được bố trí vốn đầu tư vào đầu năm 2016.
Theo ông Nguyễn Thành Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cần có sự phân nhóm các tỉnh cần ưu tiên và có biện pháp cụ thể xác định rõ mục tiêu và nội dung đầu tư để Tổng cục và các địa phương được trang bị hệ thống thiết bị điều tra nghiên cứu biển tiên tiến, hiện đại; đồng thời có kế hoạch tổ chức đào tạo cán bộ vận hành hệ thống thiết bị được đầu tư. Việc đầu tư trang thiết bị cần căn cứ cụ thể đặc điểm từng tỉnh; có thể tính đến phương án các tỉnh có biển liền kề thì sử dụng chung thiết bị. Việc đầu tư đồng bộ và kịp thời sẽ giúp Trung ương và địa phương chủ động kiểm soát tốt nhất môi trường và quản lý tài nguyên biển, hải đảo.
Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh, thành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước các vấn đề về biển và hải đảo tại địa phương, có nhiệm vụ đánh giá tài nguyên, tiềm năng và thực trạng khai thác, sử dụng các vùng biển, ven biển. Để bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhiệm vụ của Chi cục phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và hải đảo do các hoạt động khai thác, sử dụng biển, do các sự cố thiên tai trên biển, đồng thời giám sát đánh giá diễn biến tài nguyên môi trường đáy biển.