Nghiên cứu mô hình DNXH từ rất sớm và là người có công đưa quy định DNXH và Luật DN 2014, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: Trên thế giới, mô hình DNXH đã có từ rất lâu, còn tại Việt Nam như lời ông Hiếu nói: “Ở Việt Nam, Luật DN 2014 đã chính thức hóa DNXH nhưng thực sự thì DNXH tồn tại trước khi có luật pháp, trước khi khái niệm DNXH có trong luật”. Hiện DNXH của Việt Nam tồn tại dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau như: Tổ chức phi Chính phủ, tổ chức từ thiện, Câu lạc bộ, Hợp tác xã, DN có mục tiêu vì XH…
“Tôi nói có thể hơi quá nhưng đây là mô hình kinh doanh văn minh”- Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khẳng định và nhấn mạnh thúc đẩy DNXH chính là thúc đẩy phát triển bền vững.
Một DNXH điển hình được nhiều người nhắc đến là Sapa O’chau của cô gái Mông Tần Thị Shu. Từ một cô bé bán hàng rong, Shu trở thành người truyền cảm hứng và được Tạp chí Forbes năm 2016 đã xướng tên trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Câu chuyện của Shu và Sapa O’chau được nhắc đến như là một “siêu anh hùng” của Việt Nam.
Ý tưởng thành lập DNXH đến với Shu lần đầu tiên vào năm 2002 khi Shu mới 16 tuổi. Nhưng đó là thách thức lớn đối với cô giá trẻ do thiểu hiểu biết, thiếu vốn, thiếu mạng lưới và tất cả những gì cần thiết khác.
Năm 2007, ở tuổi 21, Shu bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc thành lập một DN XH để kinh doanh mà lợi nhuận của nó sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ em người dân tộc đi học. Nhưng tìm một mô hình phù hợp rất khó vào thời điểm đó.
“Ban đầu em nghĩ nên thành lập một tổ chức phi chính phủ nhưng không thể được vì có quá nhiều thủ tục…”- Shu tâm sự. Phải đến năm 2011 Shu mới thành công trong việc thành lập Hợp tác xã.
“Tôi dám chắc khi đó và cả sau này Shu không biết và không đọc Luật DN..”- Phó Viện trưởng CIEM quả quyết. Thực ra, phải đến thời điểm Luật DN 2014, lần đầu tiên DN XH mới chính thức được thừa nhận về pháp lý.
Theo Điều 10 Luật DN 2014, DN XH phải đáp ứng các tiêu chí: Là DN được đăng ký thành lập theo quy định của Luật DN; Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề XH, môi trường vì lợi ích cộng đồng; Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu XH, môi trường như đã đăng ký.
Tuy nhiên, cô chủ của Sapa O’chau vẫn thừa nhận: "Dù được thôi thúc thành lập DNXH về du lịch nhưng tôi thấy cô đơn, lẻ loi vì không biết ban ngành nào của chính quyền sẽ giúp mình làm các thủ tục…”.
Shu đề nghị cần có chính sách ưu tiên cho những người khởi nghiệp ở địa phương bởi “ngôn ngữ còn cản trở huống chi là đọc hiểu những văn bản pháp luật..”. Đồng thời có chính sách riêng cho dân tộc thiểu số địa phương khởi nghiệp, có lộ trình đào tạo họ hiểu chính sách…
Theo Phó Viện trưởng CIEM, kỳ vọng của xã hội và DNXH vào những chính sách là rất lớn, đáng buồn là không phải cơ quan hoạch định chính sách nào cũng quan tâm tới vấn đề này đủ.
“Khi xây dựng Luật DN 2014, Ban soạn thảo đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy DNXH như miễn thuế thu nhập DN đối với lợi nhuận giữ lại của DN, những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí DN… nhưng “Rất tiếc khi đó chúng tôi không thuyết phục được các nhà làm chính sách”- ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, thách thức lớn nhất không phải là câu hỏi “Chính phủ phải làm gì”, mà là việc những chính sách phải phát xuất từ thực tiễn rồi được triển khai, thực thi thực chất…