Là Dự thảo Luật được giới truyền thông đặc biệt quan tâm và hy vọng sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí, tạo điều kiện thực thi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận nên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng: “Phải tiếp tục làm sao để việc quản lý báo chí không mang tính chất hành chính, không quá nặng nề, tạo điều kiện cho báo chí và cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động hơn, đảm bảo được tính sáng tạo để báo chí có trách nhiệm hơn với xã hội”.
Ông bình luận như thế nào khi có ý kiến cho rằng Dự thảo quy định trách nhiệm báo chí nặng nề đồng nghĩa với siết chặt hoạt động của báo chí, có nghĩa “Hiến pháp thì mở, Luật thì đóng”?
- Phải thừa nhận là Dự thảo Luật vẫn còn quá nhiều quy định “phải xin phép, phải đăng ký và phải được chấp thuận” trong hoạt động báo chí. Như vậy là rườm rà, cần hạn chế tối đa. Nếu có nhiều quy định hành chính để quản lý thì sẽ hạn chế điều kiện hoạt động của báo chí, vì quyền tự do của báo chí chỉ có 4 lý do được hạn chế quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng nên những yêu cầu về quản lý hành chính chỉ cần để cho báo chí thực hiện các điều kiện đảm bảo quyền tự do báo chí chứ không phải quản để hạn chế.
Ông đánh giá thế nào về vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí trong Dự thảo Luật?
- Quy định về cung cấp thông tin cho báo chí lần này luật sẽ làm cụ thể và tạo điều kiện hơn. Nhưng không có nghĩa là báo chí muốn vào đâu cũng được, muốn tìm hiểu cái gì cũng được mà phải có quy trình. Tuy nhiên, không phải tất cả quy định về cung cấp thông tin đều được quy định trong Dự thảo Luật này vì còn quy định trong Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, so với quyền tiếp cận thông tin của người dân thì các nhà báo được ưu tiên hơn để phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
Dự thảo Luật có giải quyết vấn đề cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí nhưng trì hoãn hoặc “bặt vô âm tín”?
- Tất nhiên trong Luật này sẽ phải có những quy định hết sức đặc biệt, chứ không phải báo chí yêu cầu như thế nào cũng phải đáp ứng. Tiếp cận thông tin thì phải có điều kiện, thủ tục, quy trình nhất định. Các cơ quan đều có người phát ngôn, định kỳ sẽ có họp báo cung cấp thông tin, nhưng ngay cả họp báo cũng có trật tự, có thể hạn chế báo chí nhằm ổn định trật tự, làm cho việc tiếp cận thông tin tốt hơn chứ không phải gây khó dễ cho báo chí.
Liên quan đến việc cung cấp thông tin về nguồn tin của nhà báo, ông cho rằng Dự thảo Luật đã xử lý “đủ” chưa?
- Ở đây cần cân đối hai yêu cầu rất chính đáng và cần thiết là điều tra tội phạm để bảo đảm an ninh trật tự xã hội, vì lợi ích chung; và tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động, tôn trọng việc bảo vệ nguồn tin của nhà báo.
Dự thảo Luật đang giữ như hiện hành, tức là Viện trưởng VKSND, Chánh án cấp tỉnh trở lên được quyền yêu cầu nhà báo cung cấp nguồn tin phục vụ điều tra đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng Ủy ban đang đề nghị bớt quy định yêu cầu cung cấp nguồn tin đối với tội nghiêm trọng.
Không “ép” nhận trách nhiệm “bừa”
Dự thảo quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có thêm chức danh tổng giám đốc, giám đốc. Tại sao lại phải thay đổi như vậy, thưa ông?
- Các tổng biên tập hiện nay là người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm chung, bao gồm cả trách nhiệm nội dung nhưng với những cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm thì rất khó. Nếu có sai sót thì người đứng đầu chịu trách nhiệm hết, dù không trực tiếp quản. Như vậy, người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều trường hợp phải chịu trách nhiệm cả những việc không đủ sức quản lý và cũng bị “gánh” trách nhiệm của những người thực chất phải chịu trách nhiệm.
Với quy định mới về chức danh lãnh đạo trong cơ quan báo chí, sẽ có nhiều tổng biên tập trong một cơ quan báo chí nhưng chỉ tổng giám đốc/giám đốc là người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của cơ quan báo chí, còn tổng biên tập chỉ chịu trách nhiệm thông tin báo chí của một sản phẩm báo chí. Như vậy quy định chi tiết hơn về trách nhiệm, không thể ép một người không quản lý hết phải chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng nhận trách nhiệm bừa hoặc oan, mà từ đó lại hạn chế quyền của người khác.
Theo ông, Dự thảo Luật này đã quy định thế nào để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền trong báo chí đang dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động báo chí?
- Về nguyên tắc, chúng ta vẫn khẳng định tôn trọng Luật Bản quyền tác giả và Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ có điều giờ làm sao đưa thêm chế tài, đưa thêm các biện pháp cụ thể để kiểm tra thực hiện cho tốt. Quy định trong luật chỉ tạo điều kiện, còn trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả thi hành của các cơ quan thực thi pháp luật. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bị “đạo” tin, “đạo” văn có khi cũng cho qua vì nghĩ rằng đòi bản quyền “mất thì giờ” và cũng vì chưa có kinh nghiệm về chuyện bảo vệ bản quyền của mình.
Vậy, quan điểm của cơ quan thẩm tra về việc đưa các trang tin điện tử vào đối tượng quản lý trong Dự thảo Luật này?
- Ủy ban thấy không nên đưa các trang tin điện tử vào Dự thảo vì đây là thông tin trên mạng internet, không phải báo chí và đã được quản lý ở tầm nghị định, nếu đưa vào đây thì vô hình trung lại thừa nhận các trang tin này là cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, các trang tin này chỉ lấy tin của các báo để đăng, nếu quy định trong Dự thảo Luật thì khi làm vậy họ phải xin phép, nhưng trên thực tế lại không quản lý được. Đưa vào Dự thảo là hợp pháp hóa một “anh” chuyên đi lấy tin của người khác. Không quản lý ở Luật này có nghĩa là không thừa nhận nó là cơ quan báo chí.
Trân trọng cảm ơn ông!