Phút trải lòng của bí thư xã vướng vòng lao lý

Phạm nhân Minh kể về quá khứ lầm lỗi của mình
Phạm nhân Minh kể về quá khứ lầm lỗi của mình
(PLO) -Phạm nhân Nguyễn Văn Minh (SN 1958, trú tại ấp 2, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang thụ án 12 năm tù tại Trại giam An Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Minh nhớ lại, ngày ấy chỉ vì nóng lòng muốn “làm tắt” nên anh đã phải chịu bản án dài như vậy.

Con đường lầm lỗi 

Từng là 1 Đảng viên, là Bí thư Đảng ủy xã Hội Nghĩa nhưng chỉ vì được hưởng lợi từ số tiền chênh lệch trong việc đền bù đất đai, sau đó phạm nhân Minh đã phải trả giá với bản án 12 năm tù giam. Sau hơn 3 năm cải tạo tại trại giam tại trại giam An Phước, giờ đây phạm nhân Minh đã không còn tự ti, mặc cảm bởi chính sự cảm hóa, giúp đỡ của cán bộ giám thị, quản giáo phân trại 4. 

Tiếp xúc với chúng tôi, phạm nhân Minh cởi mở chia sẻ về những tháng ngày mình đang phải thụ án. Anh Minh vẫn nhớ như in những bước đi sai lầm và con đường đưa anh vào vòng lao lý. Trong câu chuyện của mình, phạm nhân này luôn tỏ ra nuối tiếc vì lúc đó đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc công trình công cộng huyện Tân Uyên nhưng kể từ đó sự nghiệp đã bị dang dở. 

Anh kể, thời gian vào cuối tháng 3/2004, khi anh còn là Bí thư Đảng ủy xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thì ông Chang Hsieh Ching (Quốc tịch: Đài Loan - Trung Quốc, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.O.C) thông quan người phiên dịch và người môi giới đã liên hệ tìm địa điểm đầu tư xây dựng 3 nhà máy chế biến gỗ tại xã Hội Nghĩa. 

Sau đó, những người này đã đưa vị Tổng Giám đốc người Đài Loan đến ủy ban nhân dân xã Hội Nghĩa gặp Nguyễn Văn Minh và Phan Long Nhi (Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hội Nghĩa).

Sau khi bàn bạc, Minh và Nhi nhất trí dẫn ông Chang đi xem thực địa khu đất có diện tích khoảng 525.531m2 và được ông Chang đồng ý đầu tư với giá thỏa thuận là 50.000 đồng/m2 đất (bao gồm nhà ở, công trình, cây lâu năm, tài sản khác trên đất và con đường rộng 20m đi vào nhà máy, ông Chang chỉ lấy đất chứ không yêu cầu gì về hoa màu và tài sản trên đất).

Sau đó ông Chang gửi công văn xin được đầu tư xây dựng và ông Nhi đã ký Tờ trình gửi ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên đề nghị chấp thuận bố trí địa điểm xây 3 nhà máy chế biến gỗ tại xã Hội Nghĩa. Các thỏa thuận về địa điểm, giá đền bù đất và việc Nhi lấy danh nghĩa UBND xã Hội Nghĩa làm tờ trình gửi ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên đều không được thông qua ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân và Đảng ủy xã Hội Nghĩa.

Sau đó, ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên có công văn về việc chấp thuận địa điểm xây dựng 03 nhà máy do ông Chang là đại diện chủ đầu tư. Đầu tháng 4/2004, Nhi mời các hộ dân có đất nằm trong dự án đến họp bàn về việc quy hoạch khu công nghiệp.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đưa mức giá đền bù là 500 triệu đồng/ha nhưng Nhi và Minh đứng ra thương lượng với dân với mức 430 - 450 triệu đồng/ha theo tài sản trên đất. 

Các hộ dân tin tưởng đây là chủ trương của Nhà nước nên đồng ý các nội dung mà Nhi và Minh đưa ra. Tổng cộng Nhi đã nhận của ông Chang 26, 25 tỷ đồng để giao 525.531m đất. Số tiền đã nhận, Nhi đã chi tổng cộng hơn 23.9 tỷ đồng, số tiền chênh lệch hơn 2.3 tỷ đồng. Trong số tiền đó, Nguyễn Văn Minh được Nhi đưa cho 150 triệu đồng. 

Sau này sự việc bị vỡ lở, người dân làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Cơ quan công an vào cuộc điều tra và làm rõ vụ việc. “Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh mời lên làm việc thì 10 ngày sau tôi bị bắt (13/4/2008) sau đó tôi được tại ngoại để điều tra. Vụ việc của tôi kháng án và được đưa ra xét xử nhiều lần. Cuối cùng là bản án 12 năm tù giam...”, Minh bỏ lửng câu nói. 

Thoáng thấy ánh mắt của Minh nhìn xa xăm về phía cổng trại giam, tôi đoán rằng trong lòng anh đang rất tiếc nuối và mong mỏi có ngày được trở về với gia đình và hòa nhập với cộng đồng.

Mong muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội

Trong câu chuyện, phạm nhân Minh nhiều lần nhắc đến đồng nghiệp là Phan Long Nhi, người khi đó đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã Hội Nghĩa. Thế nhưng, phạm nhân Minh không có một lời trách cứ người đồng nghiệp cũ của mình. 

“Tôi không trách anh Nhi. Thời điểm đó tôi cũng chỉ vì muốn sớm có xưởng gỗ, người dân có công ăn việc làm nên mình đã nóng lòng mà làm tắt, không ngờ hậu quả lại như vậy”, phạm nhân Minh tiếc nuối vì con đường sự nghiệp của mình bị đứt gánh giữa đường.

Những tháng ngày trong trại giam, nhiều lần Minh ngồi suy nghĩ về những sai lầm mà anh đã gây ra, thế nhưng sự ân hận đó giờ đã quá muộn màng. Kể từ ngày Minh vào thụ án, hàng tháng gia đình anh đều có người vào thăm và động viên tinh thần.

“Mình lỡ mắc sai lầm thì giờ phải chịu, hiện giờ bố đẻ đã ngoài 80 tuổi sức khỏe giảm sút cũng không lên thăm được. Thế nhưng người thân, anh em bạn bè vẫn thường xuyên lên thăm”, Minh bộc bạch.  

Hiện tại phạm nhân Minh được cán bộ trại giam giao cho công việc phụ trách quản lý thư viện phạm nhân và thư ký đội. Anh xúc động kể, được sự giúp đỡ của các cán bộ quản giáo trại giam An Phước, anh vẫn luôn cố gắng cải tạo để mong sớm có ngày trở về với gia đình. 

“Từ sự quan tâm của các cán bộ trại giam, chúng tôi đã nhận thức được những tội lỗi của mình, đều có những định hướng cải tạo cho bản thân, sự hướng thiện trại giam An Phước rất cao. Tôi cũng đang cố gắng cải tạo để được đặc xá mong muốn sớm trở về với gia đình.

Khi trở về thì mình đã già rồi và không còn được làm việc nhà nước nữa nên sẽ phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Ngoài ra, mình sẽ tích cực tham gia các đoàn thể, xây dựng địa phương đi lên”, phạm nhân Minh chia sẻ. 

Cuối câu chuyện, Phạm nhân Minh cũng khuyên những người đang giữ trọng trách như anh trước kia đã từng làm: “Trong những việc làm dính đến kinh tế nhiều khi mình suy nghĩ không thấu đáo. Bởi vậy, chúng ta cần cố gắng tỉnh táo để xử lý mọi việc tránh sai lầm”. 

Trở về với gia đình là điều vốn giản dị với nhiều người, song với mỗi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù đó là ước mơ cháy bỏng. Hơn ba năm thụ án trong trại giam có lẽ là khoảng thời gian rất dài đối với Minh khi nghĩ về cuộc sống bên ngoài.

Ước mơ sớm trở về hòa nhập với xã hội của nam phạm nhân này cũng giống như bao phạm nhân khác. Và đó là điều mà họ hoàn toàn có thể làm được bởi ở ngoài kia nhiều người thân đang trông ngóng từng ngày. 

Một phút sai lầm để phải trả cái giá quá đắt, thế nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho tất cả. Mang quá khứ lỗi lầm, không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về cuộc sống đời thường, đã buông bỏ tương lai “trở về con đường cũ”. Mong rằng những người đã từng bước qua con đường lầm lỗi như Minh sau này sẽ tìm về nẻo thiện và làm những điều tốt đẹp cống hiến cho xã hội./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt 'bà trùm' ma túy Hương 'Chăm'

Nguyễn Thị Hương và đồng bọn. Ảnh: CACC
(PLVN) - Nguyễn Thị Hương (tức Hương “Chăm”) đã móc nối với một số đối tượng tỉnh ngoài và các đối tượng "cộm cán" trên địa bàn TP Thanh Hóa hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh.

Đắk Lắk cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây xanh theo yêu cầu của Bộ Công an

Một khu phố xanh tại đô thị TP. Buôn Ma Thuột.
(PLVN) -Ngày 5/5, sau yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu hồ sơ liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các đơn vị hữu quan tổng hợp, báo cáo tỉnh để cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan ANĐT.