Cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL), Luật TGPL năm 2017 cũng như các bộ luật và luật về tố tụng năm 2015 đã có những quy định cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn, thông báo, thông tin để người tham gia tố tụng thực hiện quyền được TGPL, nếu họ thuộc trường hợp được TGPL.
Các bộ, ngành ở Trung ương như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao cũng kịp thời ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng là nhằm thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
Thi hành Luật TGPL, đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp quy định trách của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trong việc thông tin, giới thiệu về TGPL dưới góc độ thông tư trên cơ sở quy định tại Điều 42 của Luật “Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL”.
Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2021) đã bổ sung Điều 17a vào Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Theo đó, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì UBND cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 được ban hành kèm theo Thông tư này.
Có thể hiểu quy định của Thông tư, việc giải thích và giới thiệu về TGPL khi họ là người được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL và vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thông thường, vụ việc cụ thể của người được TGPL ở UBND cấp xã và Phòng Tư pháp giải thích, giới thiệu như sau: (1) Tư vấn pháp luật hòa giải, chia thừa kế, giải quyết tranh chấp, ly hôn, lập hồ sơ khởi kiện, khiếu kiện, xử lý,…; (2) Cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của họ; (3) Cử Trợ giúp viên pháp lý/Luật sư thực hiện TGPL để bào chữa/bảo vệ cho người được TGPL khi họ tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Ngoài quy định của Thông tư, UBND cấp xã cũng cần giới thiệu những người thuộc diện được TGPL khi họ tham gia tố tụng với tư cách là người tố giác, kiến nghị khởi tố, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc là đương sự trước khi cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý vụ án, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xác định tư cách người tham gia tố tụng. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền tố tụng trước khi thụ lý các vụ án, nó cũng không kém phần quan trọng mà UBND cấp xã lại tiếp xúc rất nhiều, ngay từ đầu.