Sự việc trên đã khiến dư luận không khỏi xót xa, đồng thời dấy lên lo ngại về những hiểm hoạ khi tiếp xúc với chó, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dại. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm khi bị chó cắn, người bệnh cần xử lý như sau:
Đầu tiên, nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh, cùng xà phòng trong vòng 5-10 phút. Sau đó, sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ hoặc dung dịch i-ốt, rồi băng hờ bằng bông gạc, tránh băng kín. Một số trường hợp có thể dùng kháng sinh để kháng khuẩn vết thương hoặc tiêm uốn ván.
Trường hợp bệnh nhân bị cắn khi con chó đang có dấu hiệu ốm, hay thương tổn của bệnh nhân ở mức nghiêm trọng như: Vết cắn ở gần vùng thần kinh trung ương, gần cơ quan sinh dục, nhiều vết cắn, vết cắn sâu, chảy nhiều máu; bệnh nhân có dấu hiệu mặt tái xanh, ngất xỉu do mất máu…, gia đình cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, để tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại, dù chó có bị dại hay không.
Nếu vết cắn nhẹ ở tay, chân, gia đình cần theo dõi con chó trong vòng 10-15 ngày. Nếu con chó vẫn khoẻ mạnh, không có biểu hiện gì bất thường thì bệnh nhân không cần tiêm phòng. Bệnh nhân cần đi tiêm phòng ngay lập tức, nếu con chó có một trong những biểu hiện sau đây: Chết, bỏ đi, bỏ ăn, hung dữ quá độ, sủa khàn, ủ rũ, gầy ốm, chảy nhiều dãi, hay chui vào góc tối…
Hiện nay, bệnh nhân có thể đến tiêm phòng bệnh dại tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng. Tuy nhiên, do vắc-xin phòng dại có những tác dụng phụ nhất định nên tốt nhất người dân nên tự bảo vệ mình trước hiểm hoạ từ thú nuôi, bằng cách tránh thả chó chạy rông, rọ mõm chó khi đi ra đường và phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định.