Nhưng có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị rất cao của của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới trong việc chống “giặc nội xâm”, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Không ai có thể đứng ngoài cuộc
Có thể nói, hiếm có thời điểm nào mà công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực lại có kết quả rõ rệt, tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và “đã trở thành phong trào, xu thế, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao” như thời gian qua. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền - bất kể người đó là ai.
Coi tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ…, bởi vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất kiên quyết với vấn nạn này, Người căn dặn: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. Bác cũng yêu cầu Chính phủ phải làm gương, “nếu làm gương không xong thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, thời gian qua, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong công cuộc PCTN. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nêu quan điểm: “Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”.
Minh chứng cụ thể nhất cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước là việc đưa một loạt “đại án” ra xử lý và xét xử nghiêm khắc, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; các vụ việc liên quan đến các cựu quan chức như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa...
Qua những vụ xử lý này, tư duy xã hội cũng đã thay đổi khi trước đây có quan niệm quan chức nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn” thì đến nay, quan điểm này đã không còn tồn tại; thậm chí, chết cũng chưa hẳn đã hết trách nhiệm: “trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật” (Văn bản số 04 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm).
Nói về khí thế của công cuộc PCTN, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như: Vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, vụ đánh bạc trên internet liên quan đến không ít quan chức cấp cao trong ngành công an…
Những kết quả đạt được thời gian qua chính là những nỗ lực, quyết tâm đấu tranh đến cùng với “giặc nội xâm”- một vấn nạn tham nhũng đang làm cho Đảng ta mất đi rất nhiều cán bộ được đào tạo, rèn giũa bài bản; làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để làm được những việc trên là “có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, của nhân dân thường xuyên khích lệ, những thành quả làm nức lòng nhân dân tạo thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này” .
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng
Tinh thần quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả cán bộ đó là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị hay tướng lĩnh cao cấp cho thấy Đảng ta đã và đang bước vào một thời kỳ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ, nghiêm túc và toàn diện nhất trước đòi hỏi ngày càng nặng nề của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao. Nói như Tổng Bí thư: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Những kết quả trên cũng thể hiện rõ một điều: Việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, không làm chậm sự phát triển, mà ngược lại làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Và, để củng cố thêm niềm tin của toàn Đảng, toàn dân vào công cuộc PCTN, gần đây, tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018, Tổng Bí thư khẳng định: “Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận kẻo nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay “nhúng chàm” (và nếu đã trót ít nhiều “nhúng chàm” rồi thì sớm tự giác gột rửa). “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Với những bài học thực tế trong lịch sử đã chứng minh một chân lý, nếu Đảng, Nhà nước kiên quyết xử lý các trường hợp tiêu cực, tham nhũng… sẽ tạo ra một sức mạnh đoàn kết và củng cố niềm tin trong xã hội; ngược lại, sẽ dẫn đến sự nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân. Với quyết tâm chính trị và niềm tin cách mạng, nhìn vào công cuộc PCTN, tiêu cực hiện nay, chúng ta càng thêm hy vọng và tin tưởng công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả hơn nữa, tạo thêm động lực và khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.