Phòng chống ma túy: Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tang vật một vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam
Tang vật một vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam
(PLVN) - Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cai nghiện và hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy. Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, Chính phủ cũng đang thực hiện thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện mới.

Việt Nam không khoan nhượng với ma túy

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra nhiều hệ lụy.

Ở Việt Nam, những năm qua Quốc hội, Chính phủ đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cai nghiện và hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy. Nhà nước áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, trong đó người nghiện ma túy có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay tại các cơ sở cai nghiện; xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, huy động sự tham gia của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức... hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy.

Bên cạnh việc khuyến khích người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện, Luật Phòng, chống ma túy đã quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn từ 2011-2019, Việt Nam tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho trên 51.000 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho khoảng 3.000 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.700 lượt người.

Đến nay, có 29 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho gần 6.500 người nghiện; quản lý và hỗ trợ tư vấn tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú là 24.600 người. Hiện Việt Nam có 97 cơ sở cai nghiện công lập, giai đoạn 2016 - 2019 các cơ sở đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện cho 144.730 lượt người.

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện. Trong đó có mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”, “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tiến tới thực hiện mô hình “Tòa ma túy”, “Quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy” thuộc các xã khu vực biên giới. Việc triển khai các mô hình thí điểm trên đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy.

Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. 

Đầu tư phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững

Đưa ra những đề xuất, kiến nghị mang tính thực tiễn tại Hội nghị Hội đồng Tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Đối với Việt Nam, để thực hiện tốt công tác dự phòng nghiện và điều trị cai nghiện ma túy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp và hướng tới chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện và điều trị nghiện ma túy.

Điểm quan trọng khác là đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị, cai nghiện tại cộng đồng; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng…

Để tiếp tục đấu tranh với tệ nạn ma túy nói chung và thúc đẩy công tác cai nghiện nói riêng, Việt Nam và các nước ASEAN cần thúc đẩy cam kết chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, cai nghiện ma túy; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào hoạt động này. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Coi việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực.

ASEAN cần phải tăng cường hợp tác trong khu vực và giữa ASEAN với quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy như đã thống nhất trong ASEAN.

Đại diện các nước và các chuyên gia quốc tế cũng kiến nghị, thời gian tới cần tiếp tục hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy theo khuyến cáo của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016; tăng cường chia sẻ thông tin về kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý và điều trị nghiện ma túy tổng hợp.

Gia tăng chất hướng thần

Theo UNODC, gần đây số lượng các loại chất hướng thần mới (NPS), bao gồm cả thuốc phiện dạng tổng hợp, được báo cáo từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á tăng đều đặn. Vào cuối năm 2019, các quốc gia ở khu vực này báo cáo tổng cộng có 461 loại chất hướng thần khác nhau.

Tuy nhiên, số lượng các chất kích thần mới được phát hiện ở một số quốc gia trong khu vực như: Campuchia, Lào và Myanmar vẫn còn hạn chế, một phần là do khả năng của các quốc gia trong việc xác định các chất này vẫn còn hạn chế.

Số lượng các chất hướng thần mới với tác dụng như các chất dạng opioid (thuốc phiện) được xác định ở Đông và Đông Nam Á đã tăng dần trong những năm gần đây. Mặc dù chỉ có 3 loại chất hướng thần dạng opioid tổng hợp được xác định trong khu vực vào năm 2014 nhưng số lượng này đã tăng lên 28 loại vào năm 2019.

Một số chất opioid tổng hợp được xác định trong khu vực có tác dụng rất mạnh và có liên quan đến những ca tử vong do sử dụng quá liều ở một số quốc gia ngoài khu vực, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và ở một số ít trường hợp ở châu Âu.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.