Nêu cao tính kỷ luật của người lao động
Chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình diễn ra trong ngày đầu TP HCM thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và theo Chỉ thị 16 đối với riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).
Theo đó, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra, thị sát hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các phân xưởng sản xuất, khu vực văn phòng và khu vực nhà ăn của ba công ty đều có 100% vốn Nhật Bản, gồm: Công ty TNHH Mtex Việt Nam (sản xuất phụ tùng cơ khí ô tô) có 450 công nhân, Công ty TNHH Kim May Organ (sản xuất kim may các loại) có 1.250 công nhân và Công ty Nikkiso Việt Nam (sản xuất bộ dây chuyền máu dùng cho máy lọc thận) có 1.650 công nhân.
Sau khi kiểm tra tại Công ty Kim May Organ, Công ty Nikkiso và Công ty Mtex trong Khu chế xuất Tân Thuận, Phó Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo từng đơn vị về phương án bảo đảm an toàn trong sản xuất; đồng thời yêu cầu công ty phải làm vách ngăn nhà ăn cao hơn và hằng ngày phải thông báo tình hình dịch COVID-19, cập nhật các điểm dịch đến từng công nhân.
Tại TP HCM, chùm ca bệnh liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hiện có số ca mắc lớn và đã lan ra nhiều quận, huyện trên địa bàn, khiến TP HCM trở thành một trong bốn điểm nóng của đợt dịch này. Mặc dù số ca mắc tại TP HCM là thấp nhất so với các điểm nóng khác nhưng nguy cơ bùng phát tại thành phố là rất cao. Nếu để dịch bùng phát trên địa bàn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đến phát triển kinh tế của thành phố. Do vậy, để hoạt động sản xuất ổn định thì công tác bảo đảm an toàn phải được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc.
Phó Thủ tướng đề nghị ban giám đốc các công ty phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của TP HCM cũng như niêm yết công khai các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để người lao động tuân thủ thực hiện. Các công ty phải đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động. Bài học ở các tỉnh để lây nhiễm lớn trong khu công nghiệp đều do chủ quan, không kiểm soát tốt, để mầm bệnh từ cộng đồng lây nhiễm vào và bị động trong xử lý.
Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc giãn cách để người lao động yên tâm làm việc.
Khi tiến hành kiểm tra tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, nơi được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị TP HCM cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương thiết lập để sớm có một khu cách ly với năng lực cách ly lớn, bảo đảm để TP HCM có đủ năng lực cách ly cho 30.000 người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly.
Diễn biến dịch phức tạp
Tình hình dịch bệnh ở TP HCM vẫn đang tiếp diễn căng thẳng khi ghi nhận hai cụm dịch xuất hiện trong 5 ngày qua, chưa rõ nguồn lây. Trong đó, cụm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lớn nhất từ trước đến nay. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đến trưa 31/5 đã lấy mẫu 151.487 người, trong đó có 2.722 F1, 148.765 các diện tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan các ca COVID-19 cộng đồng. Kết quả xét nghiệm số mẫu trên ghi nhận 149 trường hợp dương tính đã được Bộ Y tế công bố, 57.810 trường hợp âm tính, 93.528 trường hợp đang chờ kết quả. Số mẫu này được truy vết, lấy từ ngày 27/5 đến hết ngày 30/5.
Lo lắng nguy cơ bùng dịch, UBND TP HCM có văn bản khẩn về việc tái thiết lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, TP HCM trưng dụng các ký túc xá làm khu cách ly tập trung gồm: ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Nông lâm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường CĐ Công thương TP HCM và Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Trong ngày 31/5, các trường ĐH đã phối hợp với các đơn vị quân đội gấp rút lên dọn dẹp các ký túc xá để bàn giao cho thành phố làm khu cách ly tập trung…