Chưa kịp thời trong phối hợp cung cấp thông tin
Cụ thể, đối với việc chuyển giao, giải thích, đính chính, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS có một số việc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Có việc cơ quan THADS đề nghị Tòa án giải thích nhiều lần nhưng chưa nhận được trả lời mà không giải thích lý do hoặc nội dung trả lời còn chung chung, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bản án, quyết định đã tuyên rõ về quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức nhưng do nghiên cứu bản án, quyết định chưa kỹ nên cơ quan THADS cho rằng bản án, quyết định tuyên không rõ và có đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Việc thụ lý, giải quyết yêu cầu phân định tài sản trong khối tài sản chung để thi hành án hoặc giải quyết yêu cầu khởi kiện tranh chấp tài sản kê biên của Tòa án còn chậm, trình tự, thủ tục còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ thi hành án.
Trong công tác cưỡng chế, việc phối hợp đôi khi chưa kịp thời, chặt chẽ. Có trường hợp cơ quan Công an chậm phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, cá biệt có nơi xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế còn chưa sát với tình hình thực tế.
Một số cơ quan THADS xây dựng kế hoạch cưỡng chế sơ sài, chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan, đặc biệt đối với những vụ án phức tạp chưa mô tả chi tiết, trình tự thực hiện, vị trí, địa hình, địa vật khu vực cưỡng chế để làm cơ sở cho việc tham gia và xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế.
Đối với hoạt động kiểm sát, hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc kiểm sát quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên mà chưa quan tâm đúng mức đến việc chấp hành pháp luật của các đương sự cũng như các cơ quan liên quan trong hoạt động THADS.
Một số nội dung chưa được kiểm sát chặt chẽ, nhất là trong công tác chuyển giao bản án, quyết định và công tác phối hợp khác. Ngoài ra, Viện KSND chưa phát huy hết vai trò trong việc kiểm sát và có ý kiến với Tòa án trong trả lời yêu cầu sửa chữa, đính chính hoặc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo đề nghị của cơ quan THADS; chưa có ý kiến đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thực hiện các biện pháp phong tỏa, cưỡng chế tài khoản tại các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo nghiệp vụ những vụ án lớn, phức tạp, công tác phối hợp giữa các Cơ quan THADS, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tuy đã đạt kết quả khả quan nhưng một số nơi chưa có giải pháp cụ thể hoặc việc tổ chức để giải quyết vụ việc còn chậm trễ, thiếu quyết liệt.
Nâng cao hiệu quả chỉ đạo
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong chỉ đạo công tác THADS, cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDT. Song song với đó, cần chú trọng công tác tự kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện Quy chế của từng ngành, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS và tình hình thực tiễn.
Cụ thể, Bộ Công an cần tiếp tục chỉ đạo Trại tạm giam, cơ sở giam giữ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về THADS để phạm nhân hiểu rõ về nghĩa vụ thi hành án; kịp thời thông báo cho cơ quan THADS biết về kết quả thu tiền, tài sản của phạm nhân, các đợt xét miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đặc xá đối với người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Cùng với đó cần kịp thời phân công lực lượng xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Viện KSNDTC cần sớm chỉ đạo, xem xét, giải quyết đối với các đề nghị của cơ quan THADS, đương sự về việc xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án chưa trả lời để thống nhất biện pháp giải quyết.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo Viện KSND các cấp tăng cường công tác kiểm sát THADS, công tác xét xử của Tòa án nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm và thực hiện đúng quy định.
Từng bước tổ chức kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với người phải thi hành án, người được thi hành án và những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc THADS theo Điều 28 Luật Tổ chức Viện KSND.
TANDTC cần kịp thời chỉ đạo, xem xét những Bản án, Quyết định mà Cơ quan THADS và Tòa án địa phương đã có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trả lời kiến nghị, yêu cầu giải thích, đính chính bản án, quyết định của cơ quan THADS theo quy định tại Điều 170 và Điều 179 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Đồng thời, chỉ đạo Tòa án địa phương thụ lý và giải quyết kịp thời yêu cầu của cơ quan THADS trong việc xác định tài sản của người phải thi hành án thuộc khối tài sản chung tại Điều 74, Điều 75, điểm c khoản 3 Điều 170 Luật THADS và khoản 3 Điều 7 của Quy chế.