“Nghìn lẻ một” cái khó…
Nhiều năm nay, phim hoạt hình nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, không chỉ ngoài rạp chiếu phim, trên truyền hình, mạng Internet mà cả những ngành thương mại, dịch vụ đi kèm như trang phục, đồ chơi, âm nhạc, sách truyện... Hoạt hình Việt Nam chưa bao giờ tạo được “cơn sốt” phòng vé. Thật khó để kể ra tên nhân vật hoặc bộ phim thuần Việt được các khán giả nhí nhớ đến và yêu mến.
Trong khi đó, những bộ phim do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất, vẫn tham dự và giành giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước hàng năm, nhưng lại xa lạ với phần đông khán giả.
Vào mỗi dịp hè, các bộ phim hoạt hình Việt được chiếu thành những đợt phim cụm phim ngắn ở một số rạp, với giá vé rất rẻ, nhưng lượng khách vẫn thưa thớt. Trên truyền hình, hoạt hình Việt cũng “lép vế” bởi số lượng hạn chế, và chỉ được chiếu ở những khung giờ khó thu hút khán giả thiếu nhi.
Cho tới nay, phim hoạt hình Việt Nam thường nhận nhiều đánh giá tiêu cực hơn là tích cực từ phía khán giả, ví dụ như “không hấp dẫn”, “nội dung nhàm chán, khô cứng, giáo điều”, “chất lượng hình ảnh không tốt”, cộng thêm số lượng phim hoạt hình phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam cũng không đủ để đáp ứng đối tượng trẻ em Việt, cũng như những lứa tuổi khác.
Nói về những yếu kém của hoạt hình Việt, trước hết là vấn đề khan hiếm kịch bản. Phim hoạt hình Việt luôn hầu hết “loanh quanh” với đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc, cổ tích, hoặc những bài học giáo dục cho trẻ nhỏ. Vì thế, diễn biến nội dung không nhiều, cốt truyện đơn giản, không có kịch tính, thời lượng ngắn. Kịch bản thường bị cho là “bê nguyên si cuộc sống”, không có tính sáng tạo hoặc đẩy sự tưởng tượng tới mức hư cấu phi lý, hầu như không có tính bất ngờ, hấp dẫn đối với khán giả thiếu nhi hay những lứa tuổi khác.
Điểm yếu khác nằm ở sự thiếu hụt những người thể hiện kịch bản, hay còn gọi là họa viên. Trên thực tế, nhiều tác phẩm hoạt hình nổi tiếng trên thế giới như Mickey, Igor, Rango, Chiến tranh giữa các vì sao… đều có sự góp mặt của người Việt, trong đội ngũ họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh... Tuy vậy, để áp dụng các công nghệ làm phim tiên tiến của khu vực và thế giới vào thị trường phim trong nước là điều không dễ dàng.
Một vấn đề nan giải khác chính là “chật vật” tìm nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, để làm nên một bộ phim hoạt hình chất lượng thì chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó, khán giả trẻ tuổi hiện nay đang sẵn có rất nhiều lựa chọn giải trí trong thời đại công nghệ phát triển. So với phim truyền hình, tìm được tài trợ cho phim hoạt hình Việt khó hơn rất nhiều bởi lo ngại không có đầu ra.
Để làm được một phim có được ý tưởng, ngôn ngữ điện ảnh tốt và hấp dẫn với người xem, cả năng lực sáng tạo của người làm nghề và kinh phí sản xuất luôn là điều kiện cần và đủ.
Cuộc thi “Tác giả lừng danh” có quy mô giải thưởng lên tới 2 tỷ đồng, nhằm khai thác những ý tưởng mới cho phim hoạt hình Việt, thu hút hơn 800 tác giả trong và ngoài nước |
Nhưng vẫn có “cái khôn”
Khoảng ba năm gần đây, thị trường phim hoạt hình Việt Nam có phần sôi động và đa sắc hơn nhờ sự nhập cuộc của các đơn vị tư nhân. Mỗi xưởng phim có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm, đã mang lại những cảm nhận đa chiều. Nổi bật trong việc tự sản xuất các nội dung cho mình hiện có Hi Pencil Studio, Colory Animation, Hạc Thần Studio,… với những dự án phim hoạt hình như “Xin chào bút chì”, “Dưới bóng cây”, “Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới”… không chỉ được yêu thích trên truyền hình mà còn hấp dẫn tới hàng chục triệu lượt xem trên Youtube.
Cuối năm 2017, bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” đã tạo được hiệu ứng tốt trên Internet, thu hút hơn 9 triệu lượt xem trên Youtube và hàng chục nghìn lượt chia sẻ với nhiều phản hồi tích cực. Bộ phim dài 23 phút có vốn đầu tư tới 2 tỷ đồng và ekip làm phim hơn 100 người, được đánh giá có “tạo hình bắt mắt, âm thanh và chuyển động sinh động, mượt mà”, đã tiếp cận và chinh phục được người xem. Không đứng ngoài cuộc, một số bộ phim hoạt hình của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam kết hợp với các đối tác sản xuất bên ngoài cũng biết tận dụng Internet hiệu quả để quảng bá các sản phẩm của mình. Ví dụ, phim “Bố của gà con” (đạt mốc 45 triệu lượt xem), “Sự tích hồ Ba Bể” (22 triệu), “Chú mèo thông minh” (22 triệu), phim hoạt hình “Chat và Bop” được sản xuất tới 200 tập (3 phút/tập)… đều là những món ăn tinh thần thú vị cho khán giả ở nhiều độ tuổi.
Gần đây nhất, là cuộc thi “Tác giả lừng danh”, được tài trợ và tổ chức bởi Hãng phim hoạt hình VinTaTa (Tập đoàn Vingroup) đã thu hút được hơn 800 tác giả trong và ngoài nước. Đồng thời tập trung hội đồng giám khảo đa dạng, khách quan, và giới chuyên môn như: nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Nguyễn Phương Hoa, nhà báo Lại Văn Sâm, ca sĩ Mỹ Linh, nhà văn Trang Hạ, MC Phan Anh... cũng nhiều giám khảo nhí. Kịch bản chiến thắng “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được đưa vào sản xuất thành phim hoạt hình với dàn ekip chuyên nghiệp.
Quả thực, so với nhu cầu của công chúng và tốc độ phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất phim hoạt hình thế giới, phim hoạt hình Việt Nam vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Song, những hiện tượng trên cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là mong muốn đột phá, sáng tạo, để tạo ra những sản phẩm “made in Vietnam”, cập nhật công nghệ tinh xảo và hiện đại từ nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo giá trị chân - thiện - mỹ, tính giáo dục và đậm bản sắc văn hóa Việt./.