Những con số vui
Ra rạp từ 26/8, đến nay, những con số liên quan đến Long Ruồi liên tục được nhà sản xuất đưa ra khiến thị trường phim khá “sốc”: 15.000 vé, 9,5 tỷ đồng trong 3 ngày đầu công chiếu, trung bình 300 suất vé được bán ra, hơn 25 ngàn lượt người đến rạp mỗi ngày; hơn 40 tỷ đồng cho một tháng công chiếu, đạt kỉ lục điện ảnh Việt từ trước đến nay.
Một cảnh trong phim "Long Ruồi" |
Nếu theo dõi mức độ “sốt” của bộ phim trong thời gian chiếu, hẳn sẽ không bất ngờ trước những con số trên. “Cháy” vé là tình trạng thường trực của “Long ruồi” tại các rạp. Ở những ngày đầu công chiếu, để có chỗ xem phim, khán giả đều phải đặt trước vài ngày. Các cụm rạp chiếu “Long Ruồi” như Galaxy, BHD Cinema, Megastar... hầu như giảm các suất phim khác để tăng suất chiếu cho “Long Ruồi”.
Thành công của Long ruồi khiến nhiều người liên tưởng đến “Để Mai tính” cũng của đạo diễn Charlie Nguyễn - từng làm mưa làm gió các cụm rạp mùa hè năm 2010. “Để Mai tính” trước đó cũng đạt kỉ lục doanh thu phim Việt, với hơn ba tỉ thu về và ước tính 45 ngàn lượt người sau ba ngày đầu công chiếu. Thời điểm đó, con số này rất “đáng mơ ước”, khi các nhà làm phim đang ì ạch với nhiều dự án điện ảnh nhằm vào thị trường nhưng lỗ nhiều hơn lãi. Một kỉ lục kế tiếp của điện ảnh trong nước được chiếu vào mùa phim Tết 2011 là “Cô dâu đại chiến” của Víctor Vũ , nội dung không có gì đáng kể, chỉ với yếu tố gây cười nhẹ nhàng, tuy không hề quảng cáo rầm rộ nhưng vẫn thu 23 tỉ sau hai tuần chiếu rạp.
Điều đáng ngạc nhiên là những bộ phim "làm mưa làm gió", kéo khán giả đến rạp nhiều nhất trong năm không phải các “bom tấn” của nước ngoài mà chính là sản phẩm trong nước. Như vậy, điểm chung của các sản phẩm điện ảnh ăn khách nhất trong vòng 1 năm trở lại đây đều là yếu tố hài hước, gây cười, giải trí nhẹ nhàng, đặc biệt, số lượt khán giả đến rạp ở phía Nam luôn cao hơn phía Bắc. Điều này hoàn bình thường, bởi ê kíp làm phim hầu hết từ TP.HCM, và dòng phim này cũng là “đặc sản” được khán giả TP ưa chuộng lâu nay.
Phim Tết 2011, yếu tố hài đã chiếm đa số với “Cô dâu đại chiến”, “Hồn ma siêu quậy”, “Thiên sứ 99”... Một bộ phim hài khác đã được “dành sẵn” cho mùa Tết 2012 với cái tên khá “kêu” “Hotboy nổi loạn” và câu chuyện về “Thằng cười, Cô gái điếm và con vịt” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Với chiều hướng này, chắc chắn phim Tết 2012 sẽ không nằm ngoài dự tính với yếu tố hài là chủ đạo.
Cười xong và... hết
Nhìn vào những con số trên, quả thấy đáng nể cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, số doanh thu cao ngất có đi cùng với chất lượng hay không là điều còn phải cân nhắc. Về “kỉ lục” “Long Ruồi”, ngoài tiếng cười sảng khoái đem đến cho khán giả suốt phim, thì cũng rất nhiều người nhận định rằng, đây cũng chỉ là một bộ phim hài xem để mà giải trí chứ không đọng lại điều gì.
Nhận định này không phải là không có lý khi xét đến bố cục, đất diễn và chiều sâu của bộ phim. Diễn xuất của Thái Hòa thì không chê vào đâu, nét diễn tự nhiên, duyên, chọc cười mà như không vẫn là “tài sản” riêng rất được khán giả yêu thích ở anh. Khương Ngọc, Tina Tình, Ngô Thanh Vân cũng được đánh giá tốt về mặt diễn xuất, tuy nhiên, việc “đất diễn” dành quá nhiều cho Thái Hòa đã khiến các nhân vật không có cơ hội thể hiện, trở nên mờ nhạt và thiếu cá tính.
Ngoài ra, “Long ruồi” cũng chưa thoát khỏi được đôi chỗ tiếng cười còn hời hợt, dễ dãi, “chọc lét” từng bị phê phán nhiều trong cách tấu hài của phim Việt. Mở dài nhưng kết thúc khá vội và “ẩu” cũng là một điểm làm yếu đi kết cấu của bộ phim. Chính vì những điều này, “Long ruồi” vẫn bị coi là một phim đơn thuần gây cười chứ chưa đạt đến chiều sâu.
“Cô dâu đại chiến”, kỉ lục phim Tết 2011 cũng được coi là “hài để mà cười” với đơn thuần những yếu tố gây cười phóng đại, xoay quanh nhân vật chính có tính Don Gioăng và năm cô người yêu xinh đẹp. Phim doanh thu cao, nhưng người chê vẫn nhiều hơn người khen. Thậm chí, cuối năm 2010, một bộ phim hài sau khi ra rạp còn khiến khan giả “phát hoảng”, dấy lên nhiều phản ứng đến nỗi phải ngưng ngang là “Em hiền như ma sơ”, vì “vô duyên khó chấp nhận nổi”. Còn vừa hài, vừa duyên mà ý nhị, cảm động như “Để mai tính” đến nay vẫn còn là “hàng hiếm” khó tìm của điện ảnh Việt dòng phim giải trí.
Cười xong và... hết, đó là điểm chung của rất nhiều bộ phim hài ăn khách trong nước hiện nay. Hiện tại phim Việt đang thiếu những tiếng cười dí dỏm, vui tươi, sảng khoái, những bộ phim “kỉ lục” trên đánh đúng vào nhu cầu ấy của khán giả. Kéo được khách đến rạp là điều đáng mừng, tuy nhiên, nếu cứ dễ dãi về nội dung, chất lượng và chiều sâu của phim, thì sẽ đến lúc cái “hài” không thể cứu nổi cái “nhạt”. Và, một câu hỏi quan trọng nữa là điện ảnh Việt Nam liệu sẽ đi về đâu nếu điều này trở thành một xu hướng?. Đây là điều các nhà làm phim nên cân nhắc trong bước đi chinh phục khán giả của mình.
Ngọc Mai