Người trẻ và những giải thưởng danh giá
Vài thập niên trở lại đây dòng phim độc lập khởi sắc, được khán giả trong nước chú ý từ khi phim “Bi ơi! Đừng sợ” của Phan Đăng Di đoạt giải “Dự án châu Á nổi bật” tại Liên hoan phim (LHP) Busan - Hàn Quốc 2007. Có thể nói Phan Đăng Di là người khơi dòng cho niềm đam mê điện ảnh của giới trẻ. Rồi tới phim “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp giành giải thưởng tại LHP Venice năm 2014…
Gần đây nhất, phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân tiếp tục giành giải thưởng quan trọng. Theo Variety, giải thưởng của bộ phim thuộc hạng mục Roberto Rossellini - hạng mục dành cho bộ phim quốc tế ấn tượng nhất.
Tác phẩm của đạo diễn Phạm Thiên Ân kể về hành trình Thiện (Lê Phong Vũ) đưa hài cốt người chị dâu tên Hạnh về quê sau một tai nạn xe máy. Anh phải nuôi dưỡng Đạo (Nguyễn Thịnh) - con trai của Hạnh. Sau đám tang, Thiện nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ - quãng thời gian mà tuổi trẻ và tình yêu của anh lặng lẽ trôi qua.
Nói về thành tích ấn tượng ở LHP Cannes, đạo diễn Phạm Thiên Ân khẳng định giải thưởng Caméra d'Or hoàn toàn không nằm trong dự đoán của anh. Anh lý giải rằng, vỏ kén vàng ẩn dụ cho vỏ bọc của mỗi người trong xã hội - những thứ mang tính xác thịt, kéo họ vào cuộc chạy đua hối hả để tìm kiếm sự thành công, vật chất.
Bên trong vỏ kén là hình ảnh của con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của mỗi con người. Bộ phim nói về linh hồn bị lãng quên và phải đấu tranh, vật lộn trong thế giới nội tâm để chuyển hóa chính mình, thoát ra vỏ bọc của những cám dỗ, định kiến xã hội.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái) và đạo diễn Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes 2023. |
Trước đó, tháng 5/2023, “Bên trong vỏ kén vàng” ghi dấu ấn tại LHP Cannes khi nhận giải thưởng Camera vàng (Caméra d'Or) - giải thưởng vinh danh các tác phẩm đầu tay xuất sắc.
Cuối năm ngoái, làng giải trí Việt đón nhận tin vui khi bộ phim “Children of the Mist” (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã lọt vào Top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023. Đây là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách này.
Lớn lên ở bản Bung, Bắc Kạn, từ nhỏ Lệ Diễm được ông nội vốn là một giáo viên cấp 1 cho đọc nhiều sách. Tốt nghiệp báo chí, nhưng cô gái dân tộc Tày lại bén duyên với phim tài liệu khi tham gia một khóa học tại trung tâm TPD năm 2011 và workshop Phim tài liệu trực tiếp năm 2016 của Varan. Từ đó, Hà Lệ Diễm thích làm phim và nghĩ nó phù hợp với mình vì thích tự cầm máy quay, có thời gian đi, lắng nghe các câu chuyện và nhìn ngắm.
Cô nhớ mãi về nhân vật mình làm phim đầu tay, đó là một phụ nữ người Dao bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Lúc ấy, Lệ Diễm vẫn đang là một sinh viên, cứ có thời gian rảnh là cô bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của chị ấy. Hàng ngày, chị đạp xe bốn lần quãng đường 10km để đưa cậu con trai nhỏ đến trường mẫu giáo. Hai chị em thân thiết đến mức, khi Diễm chính thức bấm máy, nhân vật của Diễm không mảy may bận tâm đến sự hiện diện của máy quay. Chị đi vào phim của Diễm tự nhiên như một hơi thở...
Con đi trường học nhận được sự đồng cảm của nhiều người, đã giúp Diễm nhận Cánh diều bạc năm 2013 ở hạng mục phim ngắn, khi ấy cô vừa tốt nghiệp đại học… “Những đứa trẻ trong sương” ghi lại hành trình của Di từ khi còn là cô bé 12 tuổi cho đến lúc 15 tuổi. Sống ở một bản làng cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hơn chục cây số, việc hằng ngày của Di là đi học, đỡ đần cha mẹ chuyện đồng áng, việc nhà.
“Những đứa trẻ trong sương” đã cuốn người xem bởi vẻ đẹp của không gian núi rừng, con người Tây Bắc: căn nhà gỗ nép mình bên những tán hoa đào rừng, những thửa ruộng bậc thang, từng đám mây ùn ùn trôi lên từ thung lũng…
Di mới 15 tuổi đã nghĩ chuyện yêu đương, thích nhắn tin với các chàng trai. Chị gái Di làm vợ, làm mẹ lúc mới 15 tuổi. Cha Di hay đánh vợ, nhưng mẹ Di chỉ âm thầm chịu đựng. Bà không muốn Di lấy chồng sớm, đơn giản vì sợ nhà thiếu người chăn gà, heo...
Trong mắt Di, tục kéo vợ chỉ như một trò chơi ở lễ hội, đến khi chuyện xảy ra với mình mới sợ hãi. Và người mẹ như mẹ Say của Di, như bao bà mẹ trên đời, cũng ưa la rầy con cái, thậm chí khắc khẩu với con, nhưng khi xa con lại nước mắt ngắn dài, dặn dò nhắn nhủ con với bao lời yêu thương… Phim ám ảnh bởi những nỗi đau thật đến nỗi có thể chạm tới, bởi những hủ tục và văn hóa ấy quay vòng, trĩu nặng trên vai người phụ nữ…
Những dấu lặng buồn
“Bên trong vỏ kén vàng” ra rạp Việt từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, thu gần 1,43 tỷ đồng. Nhìn từ “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đang chiếu rạp với sự sắp xếp số suất chiếu ít ỏi, doanh thu thấp. Đây cũng là tình trạng chung con đường đến với công chúng của dòng phim độc lập Việt Nam.
Ở cuối tuần đầu tiên, phim được các rạp xếp tổng số suất chiếu là 182. Nhưng ở cuối tuần thứ hai chỉ còn 58 suất chiếu/ngày ở tất cả các rạp trên toàn quốc. Trong khi đó, Oppenheimer - phim tiểu sử của đạo diễn Christopher Nolan chiếu cùng thời điểm với “Bên trong vỏ kén vàng” có 1.620 suất chiếu trong ngày (đến nay còn 938 suất, đạt 25 tỉ đồng doanh thu) và “bom tấn” “Blue Beetle” vừa ra rạp ngày 18/8 đang có 1.681 suất chiếu.
Theo diễn viên Kim Phượng, chính sự sắp xếp số suất chiếu quá ít ở rạp đã khiến “Bên trong vỏ kén vàng” có doanh thu không như mong đợi - một con số vô cùng thấp. Quả là một dấu lặng buồn đối với dòng phim độc lập, nghệ thuật của Việt Nam hiện nay.
Trước đó, hồi tháng 4, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng trầy trật khi tìm đường đến với công chúng ở rạp. Ban đầu, khi chưa có đơn vị chịu nhận phát hành, ê kíp làm phim phải tự thuê rạp, tự “rao sản phẩm” trên mạng để chiếu bán vé cho học viên của trung tâm điện ảnh TPD và một số khán giả yêu thích phim. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, phim mới được 4 rạp nhỏ lẻ chính thức nhận chiếu thương mại với số suất khiêm tốn. Ê kíp còn chủ động mang phim đi chiếu tại hội trường các trường đại học cho sinh viên xem. Tính đến nay, “Những đứa trẻ trong sương” cũng chỉ thu về được 2,3 tỉ đồng tiền bán vé.
Trước đó, phim “Memento Mori” - Đất của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ tham dự rất nhiều LHP quốc tế, cũng từng chiếu rạp hồi tháng 10/2022 nhưng với suất chiếu ít, giờ xem không thuận lợi đã khiến phim bán vé chỉ được 268 triệu đồng. Phim “Tro tàn” rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từng đoạt giải cao nhất - Montgolfière d'or (Golden Balloon) - tại LHP Ba châu lục 2022 ở Pháp và nhiều giải thưởng quốc tế khác, khi ra rạp Việt vào tháng 12/2022 chỉ thu được 4,1 tỉ đồng. Còn “Đêm tối rực rỡ” của vợ chồng diễn viên Nhã Uyên - đạo diễn Aaron Toronto, từng đạt giải “Phim hay nhất” của hầu hết các giải thưởng điện ảnh Việt năm 2022, đã công chiếu tại rạp đến 2 lần (vào tháng 8/2022 và tháng 3/2023), đến nay tổng doanh thu đạt 21,4 tỉ đồng. Phim độc lập Việt từ trước tới nay chỉ có “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy, từng đoạt giải Phim hay nhất - New Currents tại LHP Busan 2019, là đạt doanh thu cao nhất khi công chiếu tại rạp với 63,9 tỉ đồng.
Sở dĩ phim độc lập trước nay khó hút khán giả bởi theo dòng phim nghệ thuật, nội dung không chiều theo thị hiếu số đông. Bên cạnh đó, phim độc lập Việt kinh phí ít nên không có cơ hội quảng bá rộng rãi đến công chúng. Ê kíp làm phim đều còn trẻ, không mấy tên tuổi nên các nhà tài trợ, nhà sản xuất, nhà phát hành không dám đầu tư vì lo ngại rủi ro. Có thể thấy, các phim độc lập phát hành được ở rạp đều nhờ vào tiếng vang, những giải thưởng sau các LHP quốc tế. Còn nhiều phim khác chỉ chiếu trên mạng.
Hiện nay, trong Luật Điện ảnh năm 2022 không còn quy định nhà nhập phim nào muốn nhập phim phải có rạp như trước đây. Ở Hàn Quốc các công ty phát hành phim nội địa - mạnh nhất là CGV, Lotte - chiếm 90% thị trường; Thái Lan 80%, các nước khác như Malaysia, Indonesia không nước nào dưới 70%. Còn ở Việt Nam rạp nội địa chiếm khoảng 25% còn lại là Lotte hơn 20%, CGV hơn 40%... Các công ty có hệ thống rạp chiếm thị phần lớn sẽ áp đặt các hãng khác phải theo như mức giá, phim, áp đặt khung giờ chiếu… Đồng thời, sự chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có vốn đầu tư nước ngoài tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng cần rà soát, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật liên quan cũng như các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển công nghiệp điện ảnh. Đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc như việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Theo TS. Ngô Phương Lan, Nhà nước có thể cấp vốn ban đầu, nhưng nguồn thu cho Quỹ đang là “điểm nghẽn”.
Theo bà Phương Lan, mấu chốt để phát triển điện ảnh là cần phải giải “bài toán” để phát triển cả ba dòng phim: Phim nhà nước đặt hàng với các tác phẩm xứng tầm và có khả năng ra rạp phục vụ khán giả. Phim giải trí do tư nhân sản xuất khuyến khích với những phim lành mạnh, mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Phim nghệ thuật được ghi nhận tại các LHP quốc tế do Quỹ điện ảnh hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện các chiến lược quảng bá, thu hút các hãng phim nước ngoài đầu tư, hợp tác sản xuất phim với Việt Nam. Muốn điện ảnh Việt Nam có tác phẩm đạt tầm cỡ thế giới, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện những tài năng trẻ, bà Ngô Phương Lan bày tỏ…