Philippines: Chiến dịch trấn áp ma túy đã làm 1.900 người thiệt mạng

Ông Ronald dela Rosa
Ông Ronald dela Rosa
(PLO) - Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines ngày 23/8 cho biết hơn 1.900 người, tức khoảng 36 người mỗi ngày đã thiệt mạng trong chiến dịch trấn áp ma túy ở nước này.

Theo AFP, con số trên được ông Ronald dela Rosa đưa ra tại một phiên điều trần của Thượng viện Philippines, 7 tuần sau khi Tổng thống  Rodrigo Duterte nhậm chức cùng tuyên bố sẽ cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy ở nước này.

Tại phiên điều trần, ông dela Rosa khẳng định lực lượng cảnh sát không có chính sách công khai tiêu diệt những người buôn bán và sử dụng ma túy. “Chúng tôi không phải là những tên đồ tể” – ông nói. 

Ông này cũng cho biết, trong số hơn 1.900 người đã thiệt mạng nói trên có khoảng 750 người bị tiêu diệt trong các chiến dịch chống ma túy của cảnh sát và 1.100 trường hợp tử vong còn lại vẫn đang điều tra. Song, ông thừa nhận không phải tất cả các vụ việc đang được điều tra này đều liên quan đến ma túy mà có khoảng 40 vụ đã được xác định có liên quan đến các vụ cướp. 

Bên cạnh đó, ông Ronald dela Rosa cũng cho biết thêm rằng đã có gần 700.000 người sử dụng ma túy và những người buôn bán ma túy đã ra đầu thú để tránh cuộc trấn áp. Ông này cũng khẳng định tình hình tội phạm đã giảm trong thời gian qua dù các vụ giết người tăng lên.

Ông Ronald dela Rosa cũng thừa nhận khoảng 300 sỹ quan cảnh sát hiện bị tình nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy. Điều này đã dấy lên những đồn đoán trong truyền thông Philippines cho rằng một số vụ giết người do các cảnh sát tham nhũng tiến hành để thủ tiêu những đối tượng buôn bán ma túy để tránh bị phanh phui hành vi của mình. 

Phiên điều trần nói trên là một phần của cuộc điều tra do Thượng nghị sỹ Leila de Lima – một người mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Duterte tiến hành. Tại phiên điều trần này, ngoài người đứng đầu cảnh sát quốc gia, ông Leila de Lima cũng đã triệu tập người đứng đầu cơ quan phòng chống ma túy quốc gia đến để yêu cầu họ giải thích về sự gia tăng đột biến số người thiệt mạng cũng như về các báo cáo về những vụ giết người ngoài vòng pháp luật trong thời gian qua.

Ông Duterte – người có biệt danh “Người trừng phạt” – được người dân Philippines bầu làm tổng thống của nước này với cam kết quét sạch nạn ma túy và cảnh báo sẽ tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy nếu họ không hối cải. Mỹ - đồng minh thân cận của Philippines – và một số tổ chức khác đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch của ông Duterte. Tuy nhiên, nhiều người dân Philippines lại tỏ ra đồng tình với ông. Khi ông Ronald dela Rosa ra điều trần thì hàng chục người khác cũng có mặt ở bên ngoài tòa nhà của Thượng viện để bày tỏ sự ủng hộ với ông.

Con số những người bị giết do ông Ronald dela Rosa cung cấp tại phiên điều trần ở Thượng viện cao hơn con số 1.800 được chính ông đưa ra tại phiên điều trần ngày 22/8. Ông không lý giải về việc con số này tăng lên nhưng cho biết con số mới nhất là con số đã được cập nhật. 

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.