Philippines: Bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố

Binh sĩ Philippines tiến vào nhiều điểm của thành phố Marawi
Binh sĩ Philippines tiến vào nhiều điểm của thành phố Marawi
(PLO) - Ngày 17/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố quân đội chính phủ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao, ở miền Nam nước này sau 5 tháng giao tranh với phiến quân Hồi giáo Maute thân IS tại đây.

Đây được xem là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Marawi đã được giải phóng

“Thưa toàn thể quý vị, tôi xin tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của khủng bố và bắt đầu quá trình tái thiết”, Tổng thống Philippines Duterte phát biểu, khi đang thị sát thành phố Marawi. Tuyên bố của ông Duterte đưa ra sau khi Isnilon Hapinlon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf và Omar Maute, kẻ cầm đầu phiến quân Maute, hai nhóm phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Marawi, bị tiêu diệt trong một chiến dịch tấn công của quân đội hôm 16/10.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cho biết các binh sĩ chính phủ vẫn đang truy lùng phần tử khủng bố người Malaysia tên là Mahmud bin Ahmad, đối tượng đã chỉ đạo và tài trợ cho cuộc vây hãm thành phố Marawi. Hiện vẫn còn khoảng 10-20 phiến quân Hồi giáo còn cố thủ ở Marawi, trong đó có 6-8 tay súng nước ngoài. Chúng giữ khoảng 20 con tin, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ.

Cách đây gần 5 tháng (bắt đầu ngày 23/5/2017), giao tranh ở Philippines đã bắt đầu bùng phát sau khi những phiến quân được trang bị vũ khí hạng nặng tấn công Marawi, thành phố với 200.000 dân trên đảo Mindanao. Khi đó, quân đội Philippines đang truy lùng Isnilon Hapilon, phần tử đứng đầu chi nhánh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Philippines, được cho là đang ẩn náu trong thành phố này. 

Trong bối cảnh đó, nhằm chặn đứng nguy cơ IS thiết lập căn cứ tại Marawi, Tổng thống Duterte đã ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn đảo Mindanao đến cuối năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh quét sạch khủng bố tại đây. Kể từ đó, quân đội Philippines đã nỗ lực đẩy mạnh các chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ một số khu vực ở thành phố Marawi. 

Sau 5 tháng giao tranh, đến nay, quân đội Philippines đã tiêu diệt 822 phiến quân, trong khi tổn thất của quân chính phủ là 162 người cùng 47 dân thường. Hơn 1.700 binh sĩ và cảnh sát đã bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 

Đương đầu với hiểm họa

Có thể thấy, chiến sự kéo dài 5 tháng qua giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi, cho thấy mức độ nguy hiểm của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chúng đã thay đổi chiến lược “vươn vòi bạch tuộc” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria.

Không phải ngẫu nhiên IS lại chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines. Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh tại những vùng hẻo lánh hay những hòn đảo biệt lập, nơi chính quyền khó quản lý. Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại khu vực này, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương, truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường cực đoan.

Thực tế cho thấy IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, khi bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines. Bên cạnh đó là một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng những hình thức khác nhau, cũng như ý tưởng thành lập cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” tại Đông Nam Á, nhằm lôi kéo ngày càng nhiều công dân các nước Đông Nam Á gia nhập IS, thậm chí cầm súng cho IS tại Syria và Iraq. Các số liệu thống kê cho thấy hơn 1.000 phần tử cực đoan từ các nước Đông Nam Á đã tham chiến trong hàng ngũ IS tại khu vực Trung Đông.

Do đó, việc quân đội Philippines đẩy lùi được phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi lần này được đánh giá là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của toàn khu vực Đông Nam Á nói chung. Trước tuyên bố khẳng định Marawi đã được giải phóng của Tổng thống Duterte, Thị trưởng Marawi Usman Gandamra đã lên tiếng hoan nghênh và nhận định: “Sự chống cự của các phần tử còn lại sẽ không gây ra quá nhiều khó khăn. Chỉ trong vài ngày nữa thôi, cuộc chiến tại Marawi sẽ chấm dứt”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, trong thời gian tới, Philippines sẽ phải đối mặt với vô số thách thức sau trận chiến. Tướng Restituto Padilla đã nhận định, việc hai thủ lĩnh các nhóm Abu Sayyaf và Maute vừa bị tiêu diệt sẽ thúc đẩy những phần tử khủng bố trả thù. Theo ông, sự mất mát này có thể khiến chúng hành động cực đoan hơn nữa. Do đó, tướng Padilla cũng cho rằng, việc duy trì lệnh thiết quân luật trong thời gian tới tại một số khu vực ở Marawi là vô cùng quan trọng. 

Trong khi đó, chuyên gia về khủng bố Kumar Ramakrishna của Singapore cũng nhận định rằng chiến sự ở Marawi là “thất bại mang tính biểu tượng” đối với các nhóm thân IS tại đảo Mindanao, Philippines. Tuy nhiên, các phần tử cực đoan này vẫn rất nguy hiểm. Ông Kumar cảnh báo các nhóm phiến quân có thể sẽ sớm tổ chức lại, lặn đi một thời gian để xây dựng lại lực lượng.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Philippines vẫn cần phải củng cố mạng lưới tình báo, tăng cường an ninh và tránh tái lập sai lầm để mất Marawi vào tay lực lượng cực đoan, đồng thời tăng cường ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển thêm tân binh.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.