Theo đó, trong năm 2021, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đẩy mạnh thực hiện quản lý nhà nước, tăng cường năng lực chuyên quản các lĩnh vực, địa bàn; kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bảo đảm kịp thời, đầy đủ, theo sát thực tế ban hành văn bản của các cơ quan cấp bộ và chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp, rộng rãi đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức thực hiện công tác rà soát VBQPPL thường xuyên thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đôn đốc, hướng dẫn bộ, ngành thực hiện kịp thời, đúng quy định về công tác pháp điển các đề mục của Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ, lộ trình đề ra trong năm 2021; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, xây dựng Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại Cục.
Viện Khoa học pháp lý tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học do Viện chủ trì gồm các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021 (11 nhiệm vụ), các nhiệm vụ mới năm 2021 (20 nhiệm vụ), hoạt động thông tin, thư viện, cơ sở dữ liệu. Đối với công tác quản lý khoa học, Viện tiếp tục tập huấn triển khai các nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ điều tra cơ bản; xây dựng kế hoạch nghiên cứu năm 2022.
Bên cạnh đó, Viện cũng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng khoa học Bộ; nhiệm vụ thường trực khoa học Viện; thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp giao; nhiệm vụ hợp tác quốc tế với tổ chức KOICA của Hàn Quốc về đánh giá hiện trạng, nhu cầu và nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng và thi hành pháp luật…
Năm 2021, Vụ Pháp luật quốc tế triển khai toàn diện, đồng bộ và đề xuất giải pháp bảo đảm thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối; sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 51/2015/NĐ-CP ngày 26/5/2015 của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý; tham mưu hiệu quả, nâng cao vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, báo cáo Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn của công tác pháp luật quốc tế; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành của Vụ; bảo đảm thực chất, hiệu quả trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục kiện toàn tổ chức, thu hút nhân lực có chất lượng và đào tạo, bồi dưỡng công chức của Vụ theo hướng xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế nòng cốt để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Vụ.