Phạt tiền - “Đòn” đánh chặn bảo vệ kinh tế Mỹ?

Các biện pháp trừng phạt kinh tế dường như là công cụ hữu hiệu cho tư pháp và cho sự thống lĩnh của Mỹ. Trong ảnh: Hãng xe Volkswagen phải nộp phạt đến 14,7 tỷ USD chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm
Các biện pháp trừng phạt kinh tế dường như là công cụ hữu hiệu cho tư pháp và cho sự thống lĩnh của Mỹ. Trong ảnh: Hãng xe Volkswagen phải nộp phạt đến 14,7 tỷ USD chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm
(PLO) - Một loạt các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn của châu Âu đã phải nộp những khoản tiền khổng lồ cho Mỹ, như BNP Paribas, Alstom, Crédit Agricole, Total, HSBC, Commerzbank, Deutsche Bank hay Volkswagen… Các biện pháp trừng phạt kinh tế dường như là công cụ hữu hiệu cho tư pháp và cho sự thống lĩnh của Mỹ trên thế giới, theo tờ L’Express số ra 16/11.

Thống trị kinh tế bằng luật là công cụ có từ lâu đời của các cường quốc, nhất là Mỹ. Đây chính là “quyền lực mềm” cho phép nước Mỹ áp đặt các chuẩn mực và tiêu chuẩn của mình lên toàn thế giới. 

Mài sắc “lưỡi đao” pháp lý

Theo L’Express, xuất phát từ Đạo luật về hành vi chống tham nhũng ở nước ngoài FCPA (Foreign Corrupt Practices Act) ban hành năm 1977, cho phép phạt các DN nào của Mỹ bị kết tội tham nhũng ở nước ngoài, Mỹ dần dần củng cố các công cụ pháp lý để mở rộng phạm vi áp dụng, chống lại cả những DN nước ngoài. Ví dụ như Đạo luật Helms-Burton và Amato, ban hành trong những năm 1990, cấm các DN giao dịch thương mại với các nước bị cấm vận, và sau này là Đạo luật Patriot. 

Theo giới chuyên gia, bước ngoặt quan trọng nhất là sau đợt tấn công khủng bố tháng 9/2001. “Kể từ thời điểm này, Mỹ quyết định biến cuộc chiến chống tham nhũng thành một trong những vũ khí chống khủng bố”, ông Stephane de Navacelle, luật sư tại New York và Paris giải thích. Về phần mình, ông Hervé Juvin cho rằng “các thẩm phán đã tận dụng điều đó để mở rộng các tiêu chí có liên quan đến luật của Mỹ”. 

Tuy nhiên, châu Âu chỉ trích Mỹ đã đề ra những mức tiền phạt một cách tùy tiện. Về mặt chính thức, các tiêu chí thẩm định là hợp lý và khách quan, tùy theo mức thang quy định. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương thuyết được tiến hành bên trong hậu trường, ví dụ điển hình là vụ Deutsch Bank của Đức, khi từ 14 tỷ USD như lúc ban đầu, mức tiền nộp phạt đã tụt xuống chỉ còn một phần ba sau vài ngày thương thuyết. DN châu Âu cảm thấy bất công, bị “lép vế” so với các DN Mỹ.

Cùng là DN nước ngoài, nhưng tại Mỹ các DN châu Âu bị nộp phạt nặng, trong khi các DN Mỹ tại châu Âu được hưởng mức phạt nhẹ hơn. Volkswagen phải nộp phạt đến 14,7 tỷ USD chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm, trong khi năm 2015, hãng xe General Motor của Mỹ che giấu các khiếm khuyết về túi khí làm 124 người chết nhưng chỉ bị châu Âu phạt 900 triệu USD. Theo những người rất am hiểu về hệ thống tư pháp Mỹ, mức tiền phạt lệ thuộc rất nhiều vào thái độ “hợp tác” của các DN trong quá trình thương lượng. 

“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Theo các nghị sĩ Pháp, rõ ràng có hiện tượng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ông Pierre Lellouche, nghị sĩ thuộc đảng Les Républicains của Pháp, tác giả một báo cáo Nghị viện về tính ngoài lãnh thổ của tư pháp Mỹ đã nhận định: “Châu Âu bất lực chứng kiến một sự trấn lột thật sự có tổ chức”. 

Tính từ năm 2008, các DN châu Âu đã phải nộp phạt gần 20 tỷ USD cho chính quyền Mỹ vì những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận hay tham nhũng quốc tế. Với cáo buộc tham nhũng, DN châu Âu là những đối tượng bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, lãnh từ 10-17 án phạt, trong khi không có DN Trung Quốc nào trong danh sách.

Giải thích về cách hành xử không công bằng này của tư pháp Mỹ, ông Eric Decéné, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp về Tình báo nhận xét: “Người Mỹ sẽ nói với bạn rằng các DN Trung Quốc ít bị Mỹ hóa hơn các DN khác, do đó khó có thể áp dụng các tiêu chí có liên quan đến luật của Mỹ. Hơn nữa, họ thừa biết là chỉ cần một điều tra nhỏ cũng đủ để Trung Quốc đưa ra các biện pháp đáp trả tức thì”. 

Đối với một DN, chấp nhận hợp tác cũng đồng nghĩa với việc đeo ba án. Đó là phải nộp phạt, chấp nhận thiết lập các chương trình tuân thủ chi phí cao và chấp nhận đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của các cố vấn DN. Theo bà Karine Berger, người từng tham gia các cuộc điều trần của ngân hàng BNP Paribas (trong vụ bị Mỹ phạt 8,97 tỷ USD vì đã vi phạm cấm vận của nước này nhắm vào Cuba, Iran và Sudan), hàng chục đại diện kiểm soát có quan hệ trực tiếp với Washington hiện đang có mặt trong nhiều cơ sở của ngân hàng Pháp. 

Trong bối cảnh căng thẳng giữa đôi bờ Đại Tây Dương hiện nay, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích cất lên. Châu Âu sẽ làm gì để bảo vệ các ngành mũi nhọn của mình? Làm sao châu Âu có thể để bị cướp mất những thị phần trên thế giới? Tờ L’Express trích dẫn nhận định của ông Hervé Juvin lấy làm tiếc rằng trong những năm 1990, châu Âu đã từng phản đối các đạo luật Helms-Burton và Amado. Tuy nhiên, “ngày nay, phần đông các tập đoàn và DN châu Âu hiện đang phải đối phó với tư pháp Mỹ, thậm chí không thông báo với chính phủ nước mình”. 

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.