“Cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng
Thực tế, việc “phạt nguội” hiện nay chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực giao thông và mang lại hiệu quả khá tích cực. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một số địa phương đã thí điểm và áp dụng xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi bằng hệ thống camera giám sát.
Đơn cử, từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thí điểm xử lý ghi hình “phạt nguội” về hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, môi trường qua hệ thống camera lắp đặt trên các tuyến phố, như đổ rác không đúng nơi quy định, xả rác thải xuống sông gây ô nhiễm… Các thông tin này được cung cấp cho lực lượng chức năng điều tra và ra quyết định xử phạt kịp thời với những hành vi vi phạm, tăng tính răn đe đối với xã hội.
Tại “Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023” diễn ra vào tháng 5/2023, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong vòng 2 năm qua, nhờ hệ thống camera mà tỉnh đã ghi nhận 5.821 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường; trong lĩnh vực bảo vệ rừng đã phát hiện 1.659 sự vụ nghi cháy rừng và xác minh 199 vụ cháy rừng; ghi nhận 286 vụ đốt rơm rạ của bà con nông dân để cảnh báo kịp thời… Số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Thừa Thiên Huế đã triển khai được hệ thống camera an ninh trên toàn tỉnh với 642 camera, với 27 giải pháp trí tuệ thông minh nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, TP HCM cũng là địa phương sớm quyết liệt triển khai giải pháp sử dụng cả camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Đây là một trong những giải pháp đề ra theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TP HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, ước tính trên địa bàn thành phố có khoảng 60.000 camera các loại lắp tại các khu dân cư để giám sát hoạt động thường ngày, khoảng 2.000 camera do ngành Giao thông và Công an quản lý, phục vụ giám sát giao thông và an ninh trật tự.
Tăng cường vai trò của camera giám sát
Từ bài học của các tỉnh, thành đã áp dụng hiệu quả camera giám sát trong lĩnh vực môi trường, có thể thấy đây là một giải pháp hữu hiệu để giám sát, xử lý và ngăn ngừa các hành vi gây tổn hại đến môi trường. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao để áp dụng rộng rãi việc “phạt nguội” trong lĩnh vực môi trường trên cả nước. Trong khi đó, những vấn đề môi trường luôn “nổi cộm”, gây bức xúc ở nhiều địa phương là tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm không khí, sông hồ, nguồn nước…
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định rõ về việc “Sử dụng kết quả, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Như vậy, bên cạnh các thiết bị của cơ quan chức năng, người dân cũng có thể sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi dữ liệu, cung cấp cho cơ quan chức năng để “phạt nguội” đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc “phạt nguội” đối với hành vi gây hại cho môi trường có thể gặp nhiều khó khăn. Nếu trong lĩnh vực giao thông, người bị “phạt nguội” không nộp phạt sẽ không được gia hạn giấy phép lái xe, không được đăng kiểm phương tiện, thì trong lĩnh vực môi trường vẫn chưa có chế tài xử lý với những đối tượng vi phạm nhưng không nộp phạt. Mặt khác, để hình thức này phát huy hiệu quả còn cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng và sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp trong việc phát giác, cung cấp thông tin về hành vi vi phạm.