Vlogger cũng “mê” bảo tàng
Giữa tháng 7 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khiến cộng đồng bất ngờ khi tổ chức chương trình tặng quà tri ân những người tích cực lan tỏa hình ảnh bảo tàng lên mạng xã hội Facebook. Bảo tàng cũng công bố các video về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được yêu thích nhất trên nền tảng Tiktok.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các kênh mạng xã hội để quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Đây cũng là một trong những bảo tàng được đánh giá tham gia mạnh mẽ vào công cuộc số hóa. Tại TP HCM, một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Bảo tàng Áo dài... cũng là điểm đến quen thuộc, được nhiều vlogger đến chụp ảnh, quay video và lan tỏa trên các kênh mạng xã hội.
Lực lượng vlogger, bao gồm chủ nhân các kênh Tiktok, Youtube, Facebook hay Instagram hiện có sức tác động mạnh mẽ đến hành vi, thói quen của một bộ phận cộng đồng giới trẻ hiện nay. Tuy có những trường hợp sử dụng nội dung tiêu cực, quá lố để “câu view” nhưng không thể phủ nhận nhiều vlogger đã góp phần lan tỏa giá trị nhân văn đến cộng đồng, trong đó có việc quảng bá hình ảnh bảo tàng và các di sản văn hóa.
Không ít Tiktoker và Youtuber nổi tiếng đã chọn các bảo tàng và di tích làm chủ đề của bài đánh giá. Những đoạn video với hình ảnh đẹp, thông tin hấp dẫn đã thu hút hàng triệu lượt xem, tạo nên những “cơn sốt” trực tuyến và lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo giới trẻ trong và ngoài nước.
Những bài viết và video này giúp người xem có cái nhìn tổng quan về di sản và bảo tàng, khám phá những điểm nổi bật và phần nào nắm bắt tinh thần, ý nghĩa sâu sắc của từng địa điểm. Điều này góp phần khiến các công trình di sản trở nên thân thuộc hơn với cộng đồng. Ở khía cạnh này, có thể nói vlogger chính là cầu nối lan toả những giá trị đặc biệt của di sản đến với đông đảo công chúng.
Di tích “lên mạng”
“Cơn sốt 4.0” khiến những người quản lý di sản văn hóa cũng không thể đứng ngoài cuộc. Mạng xã hội, với sự phổ biến và tầm ảnh hưởng lan rộng, đã trở thành một cánh cửa mở ra thế giới di sản văn hóa cho du khách trẻ. Rất nhanh nhạy, nhiều bảo tàng và di sản đã tận dụng những nền tảng như website, Facebook, Youtube, Tiktok để quảng bá, thu hút người trẻ qua những câu chuyện văn hóa lịch sử sống động.
Như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ cách đây vài năm, Bảo tàng đã khai thác ưu thế của các kênh truyền thông mạng xã hội, xây kênh riêng của Bảo tàng trên các nền tảng này, tăng lượng tiếp cận và tương tác với đông đảo công chúng. Từ đó, nhiều vlogger đã tìm đến, góp sức lan tỏa hình ảnh của Bảo tàng đến cộng đồng.
Hay Nhà tù Hỏa Lò, hiện đã trở thành di tích nổi tiếng trong giới trẻ bởi cách quảng bá mới mẻ, sáng tạo, kết hợp các xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội. Từ năm 2019, Nhà tù Hỏa Lò triển khai hệ thống thuyết minh tự động để du khách tự trải nghiệm, đồng thời tạo sức hấp dẫn mới cho các câu chuyện lịch sử thông qua lồng ghép câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh hoạ. Các kênh trên mạng của di tích này đã thu hút lượng người theo dõi rất đông. Nhà tù Hỏa Lò còn kết hợp với một số trang được giới trẻ yêu thích, lồng ghép các hình ảnh và các “trend” vui nhộn, khiến di tích trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Hiện trung bình mỗi ngày có đến 2.000 lượt khách tham quan di tích, trong đó phần đông là giới trẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc số hóa, những năm qua, nhiều bảo tàng, di tích đã xây dựng đa dạng hình thức tiếp cận giới trẻ, từ video, các chương trình livestream, game hay cuộc thi, sự kiện trực tuyến... và lan tỏa qua mạng xã hội.
“Đánh thức” di sản văn hóa qua mạng xã hội không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế và du lịch mà còn là bước đi hiện đại, sáng tạo, xây dựng niềm tự hào dân tộc, tạo động lực cho sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.