Tuy nhiên, Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để lấy ý kiến lần này vẫn còn phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn khi Pháp lệnh vẫn chưa thể hiện rõ nhiệm vụ của mình, chưa đi sâu vào chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu của lực lượng QLTT. “Nếu Pháp lệnh quy định về cơ cấu bộ máy của lực lượng QLTT thì cần thay đổi tên gọi của Pháp lệnh, chứ nói như thế này quá chung chung”- ông Thông đề xuất.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì yêu cầu phải giải thích cụ thể khái niệm QLTT là gì để tránh gây khó hiểu và hiểu lầm. Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần phải bàn thêm về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, bởi nếu không bàn thêm, không làm rõ thì sau này rất lúng túng và có nguy cơ gây nên sự chồng chéo giữa Pháp lệnh này với các luật khác, giữa lực lượng QLTT với các lực lượng khác.
Liên quan đến phạm vi hoạt động của lực lượng QLTT, nhiều ý kiến cho rằng cần giải thích và phân biệt rõ giữa hoạt động kiểm tra và thanh tra thị trường của lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, “khái niệm quản lý hoạt động công thương trên thị trường được quy định trong Pháp lệnh nghe mênh mông quá. Nguyên từ thương mại đã là thị trường rồi. Vậy công nghiệp, thương nghiệp các vị có tính không?”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lực lượng QLTT phải kiểm soát hàng nông nghiệp, công nghiệp, thuốc, sách vở,… Tóm lại, cái gì là hàng hóa bằng vật chất thì lực lượng QLTT phải kiểm soát – chỉ trừ chứng khoán, tiền tệ và những hàng hóa đặc thù.
Đa số ý kiến của các thành viên UBTVQH cho rằng, Pháp lệnh cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng QLTT với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ mô hình tổ chức phân tán hiện nay sang mô hình tập trung, thống nhất. Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của lực lượng QLTT cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp, cần linh hoạt, giảm bớt các thủ tục “cứng nhắc” về hành chính, xử lý kịp thời các phát sinh.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong năm 2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 168.837 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…; 6 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra 91.458 vụ việc, xử lý 55.234 trường hợp vi phạm.
Một báo cáo của C15 Bộ Công an cho biết, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bằng cả đường tiểu ngạch và chính ngạch. Thủ đoạn nhập hàng giả theo đường chính ngạch là đặt làm hàng giả nước ngoài có gắn nhãn mác. Khi về thị trường Việt Nam mới bỏ nhãn mác đó đi và thay bằng nhãn mác nổi tiếng. Thế là người dân ham “hàng hiệu” sẽ mua về để xài.