Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) do Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức vào hôm qua – 9/5.
Thứ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi họp báo. |
Trước mắt, chỉ pháp điển về hình thức
Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam lại đang đặt ra một số vấn đề cần phải giải quyết. Đáng lưu ý là số lượng văn bản QPPL được ban hành ngày một nhiều (khoảng hơn 20 nghìn văn bản ở cấp trung ương) khiến cho việc tiếp cận, tra cứu để áp dụng, thực hiện văn bản QPPL trở nên khó khăn hơn.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần thiết là pháp điển hệ thống QPPL. Pháp điển hệ thống QPPL giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, dễ tiếp cận; giúp người dân và DN có thể được hưởng một chính sách hợp lý, rõ ràng và thống nhất.
Tại phiên họp ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL với 4 Chương, 18 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Theo đó nêu rõ: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.
Pháp lệnh quy định 4 nguyên tắc của việc thực hiện pháp điển là theo thứ bậc hiệu lực pháp của QPPL từ cao xuống thấp; cập nhật QPPL mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ QPPL hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển; tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển và quan trọng hơn cả là pháp điển không làm thay đổi nội dung của QPPL được pháp điển, có nghĩa chỉ pháp điển về hình thức.
Về nguyên tắc quan trọng này, Thứ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: “Do pháp điển là vấn đề kỹ thuật pháp lý phức tạp, hầu như ta chưa có kinh nghiệm nên cần chọn cách làm với lộ trình phù hợp theo từng bước từ đơn giản đến phức tạp. Trước mắt, chỉ pháp điển về hình thức, sau này sẽ rút kinh nghiệm, thực hiện pháp điển về nội dung theo quy trình phức tạp hơn”
Có giá trị tra cứu trong áp dụng, thực hiện pháp luật
Có thể nói, Pháp lệnh được ban hành là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các QPPL hiện hành, sắp xếp chúng theo một trật tự hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển. Bộ pháp điển được hoàn thành theo quy định của Pháp lệnh này sẽ có giá trị sử dụng tin cậy, được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.
“Hiện chưa đặt vấn đề Bộ pháp điển có giá trị pháp lý như một văn bản QPPL thay thế văn bản gốc bởi nếu có giá trị pháp lý thì phải xây dựng theo quy trình ban hành văn bản QPPL được quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL 2008” – Thứ trưởng Lê Thành Long lý giải.
Bộ pháp điển được cấu trúc thành 45 chủ đề dựa trên tiêu chí là lĩnh vực pháp luật. Trong quá trình thực hiện pháp điển nếu thấy cần thiết, Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề mới theo đề nghị của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, Bộ pháp điển sẽ được duy trì, cập nhật trên Trang thông tin điện tử, được sử dụng miễn phí. Nhà nước giữ bản quyền đối với Bộ pháp điển và khuyến khích xã hội hóa việc in Bộ pháp điển. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trong quá trình tra cứu, nếu phát hiện có sai sót trong Bộ pháp điển thì gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thực hiện pháp điển xem xét kiến nghị để xử lý sai sót.
Thứ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng Bộ pháp điển và đề xuất các nguồn lực con người cần thiết để thực hiện Đề án cũng như phổ biến, tập huấn nghiệp vụ pháp điển.
Cũng trong buổi họp báo ngày 9/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá và chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/3/2012 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 gồm 7 Chương, 58 Điều. Pháp lệnh quy định cụ thể về chi phí giám định trong tố tụng; chi phí định giá tài sản trong tố tụng; chi phí cho người làm chứng trong tố tụng; chi phí cho người phiên dịch trong tố tụng; kinh phí thanh toán chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. |
Hoàng Thư