Tuyên án 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

Tuyên án 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La
(PLVN) - Sau 6 ngày xét xử sơ thẩm và 2 ngày nghị án (từ 21-29/5), Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi phạm pháp của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm mất niềm tin, xúc phạm danh dự các thầy cô giáo, mất công bằng cho các thí sinh, gây bức xúc trong dư luận, do đó cần phải xử lý nghiêm và đề nghị phạt nặng để đảm bảo tính răn đe.  

Sau khi xem xét tính chất mức độ, hành vi phạm tội và vai trò của từng bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La về các tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 1, khoản 2, Điều 356 - Bộ luật Hình sự năm 2015; tội "Nhận hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 354 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Đưa hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 364 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, đối với nhóm bị cáo phạm hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 4 năm 5 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", tổng cộng 19 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) bị tuyên phạt 15 năm 6 về tội "Nhận hối lộ", 5 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", tổng cộng 21 năm tù.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng phòng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", tổng cộng 10 năm tù.

Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La tuyên phạt Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) 9 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm, phạt tiền 50 triệu đồng cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ". Bị cáo Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu) bị tuyên 8 năm tù, phạt 20 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dụcSở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) bị tuyên 30 tháng tù giam. Bị cáo Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) bị tuyên 3 năm tù, được hưởng án treo. Bị cáo Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 24 tháng tù, bị tuyên, được hưởng án treo.

Đối với 4 bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ", Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng phòng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 8 năm tù; Trần Văn Điện (nguyên cán bộ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La) 9 năm tù, phạt tiền 10 triệu đồng.  

Các bị cáo Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) bị tuyên 3 năm tù, được hưởng án treo; Lò Thị Trường (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) bị tuyên 30 tháng tù, được hưởng án treo. Hai bị cáo này được tuyên trả tự do tại tòa.

Trước đó, trong quá trình diễn ra phiên tòa xét xử, ba bị cáo phủ nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát là Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng phòng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La và Trần Văn Điện (nguyên cán bộ Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La). Chín bị cáo còn lại thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Theo Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, các bị cáo là những người có quyền hạn trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 nhưng đã lợi dụng chức vụ để nhận thông tin, sửa bài, nâng điểm nên đủ cơ sở kết tội với ba người kêu oan nêu trên. Ngoài ra, qua lời khai của các bị cáo khác và dấu vết tẩy xoá trên bài thi do Viện Khoa học hình sự giám định, Hội đồng xét xử cho rằng có việc "nhờ nâng điểm" chứ không phải "nhờ xem điểm" như lời khai trước tòa của các bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao với động cơ vụ lợi và mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp câu kết với nhau thực hiện các hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa, nâng điểm và in khóa phách vòng 1, vòng 2 môn Ngữ văn. Từ đó, nâng điểm cho 44 thí sinh.

Bị cáo Trần Xuân Yến với vai trò Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đã nhận thông tin của 13 thí sinh để giúp nâng điểm. Sau khi nhận thông tin của các thí sinh, Trần Xuân Yến tổng hợp chung thành danh sách, ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần được nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt; đưa cho Nguyễn Hồng Nga, thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, để nâng điểm. Bị cáo Yến còn bị cáo buộc đã cho phép các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy và Cầm Thị Bun Sọn rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để sửa điểm. Khi bị thanh tra, Yến đã chỉ đạo Nga che giấu sai phạm bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.

Theo cáo trạng, hành vi "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ" của 7 bị cáo liên quan đã được làm rõ. Theo đó, do quen biết nhau từ trước, chiều 26/8/2018, bị cáo Trần Văn Điện đến phòng làm việc của Nguyễn Thị Hồng Nga tại Sở Giáo dục và Đào tạo để đặt vấn đề nhờ nâng điểm cho 4 thí sinh. Hai bên thỏa thuận, mỗi trường hợp được nâng điểm sẽ phải trả 230-350 triệu đồng.

Bị cáo Nga, Thủy và Sọn đã cùng nhau sửa bài thi, nâng điểm cho 4 thí sinh theo yêu cầu của Điện. Sau kỳ thi, Điện đưa cho Nga 1,04 tỷ đồng. Sau khi Nga bị bắt, người thân đã giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra 1 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra Điện khai nhận chỉ đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ Nga xem điểm trước chứ không thỏa thuận và đưa tiền cho Nga. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra kết luận, có đủ cơ sở xác định Trần Văn Điện đã thỏa thuận và đưa cho Nguyễn Thị Hồng Nga số tiền trên.

Cáo trạng xác định, bị cáo Lò Văn Huynh đã thỏa thuận nhận của Lò Thị Trường 300 triệu đồng để giúp nâng điểm cho con trai. Mặc dù Huynh không thừa nhận nhưng Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đều kết luận đủ cơ sở xác định Huynh ngoài việc nhận tiền của Trường thì còn nhận của bị cáo Nguyễn Minh Khoa 1 tỷ đồng để nâng điểm cho hai thí sinh.

Sau khi bị khởi tố bổ sung tội nhận hối lộ, bị can Lò Văn Huynh thay đổi lời khai, phủ nhận việc thỏa thuận và cầm tiền của Khoa, số tiền 1 tỷ đồng đã nộp cho Cơ quan điều tra là tiền tiết kiệm và bán đất của gia đình. Nguyễn Minh Khoa khai chỉ đưa danh sách nhờ Huynh xem điểm chứ không thỏa thuận và hối lộ để sửa bài thi, nâng điểm. Tuy nhiên, kết quả điều tra đủ căn cứ xác định Khoa đã đưa cho Huynh 1 tỷ đồng nhờ nâng điểm cho hai thí sinh.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn cũng bị cáo buộc nhận của bà Hoàng Thị Thành 440 triệu đồng để sửa bài thi cho một thí sinh.

Bị cáo Đặng Hữu Thủy khai rằng sau khi sửa bài thi, nâng điểm cho bốn thí sinh thì Thủy đã nhận 500 triệu đồng của ba phụ huynh nhưng đã trả lại. Hành vi của Thủy có dấu hiệu của tội "Nhận hối lộ" nhưng ngoài lời khai của Thủy thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ căn cứ để Hội đồng xét xử quy kết.

Chú thích ảnh
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo) tại phiên tòa. 

Ngoài ra, các hành vi phạm tội khác cũng được làm rõ, cụ thể bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Trưởng ban Ban làm phách, phụ trách phách vòng 1, đã cung cấp khóa phách của 12 thí sinh cho người khác để sửa bài, nâng điểm.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự ở khu vực chấm thi. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Đỗ Khắc Hưng đã cho một số người vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm để rút bài, sửa nâng điểm.

Bị cáo Đinh Hải Sơn là cán bộ Công an tỉnh Sơn La được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự ở khu vực chấm thi. Bị cáo này đã nhận thông tin của hai thí sinh để nhờ các đối tượng khác nâng điểm; đồng thời mở cửa cầu thang tại địa điểm chấm thi để Nguyễn Thị Hồng Nga lấy chìa khóa vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.

Đọc thêm

Hai bị cáo trong vụ CDC Huế được hưởng khoan hồng, miễn hình phạt tù

Hai bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 8/5.
(PLVN) - TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Hoàng Văn Đức (SN 1970, trú TP Huế), nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC Huế) và Hà Thúc Nhật (SN 1983, trú tại TX Hương Trà) nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính kiêm Kế toán trưởng CDC Huế về tội danh "Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

6 người trong một gia đình lãnh án tù về tội "giết người"

06 bị cáo nghe Tòa tuyên án.
(PLVN) - TAND tỉnh Kiên Giang vừa tuyên phạt 6 bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Nam (49 Tuổi), Trần Thanh Mộng (44 tuổi), Trần Quốc Đại (35 tuổi), Trần Văn Có (31 tuổi), Lê Văn Khỏe (25 tuổi) và Lê Văn Toàn (23 tuổi) cùng ngụ xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổng cộng 44 năm tù về tội “Giết người”.

Vụ án chiếm đoạt tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng: Trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung

Bị cáo Hải và Tú tại phiên xử. (Ảnh: D.Hải)
(PLVN) - TAND TP HCM vừa đưa bị cáo Hứa Chấn Hải (35 tuổi, ngụ quận 12) ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Liên quan vụ án, Đào Vương Thùy Thanh Tú (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị xác định đồng phạm với Hải về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

VKS Quân sự khu vực 11 (Quân khu 1): Phối hợp xét xử lưu động một vụ án “tổ chức sử dụng ma tuý”

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Giáp Tuấn Anh)
(PLVN) - Mới đây, tại hội trường Sư đoàn 3, Quân khu 1, Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) Khu vực 11 đã phối hợp Toà án quân sự (TAQS) khu vực Quân khu 1 tổ chức phiên toà lưu động xét xử bị cáo Hoàng Văn Đại và đồng phạm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 255 BLHS.

Vụ án lừa đảo hơn 182 tỉ đồng tại Nghệ An

Trụ sở TAND tỉnh Nghệ An. (Ảnh trong bài: Trung Thứ)
(PLVN) - Tại phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 182 tỉ đồng, một số người đưa quan điểm: Còn một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ, cần tránh trường hợp tội phạm bị bỏ lọt.

Hai vợ chồng lĩnh án vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Hai vợ chồng lĩnh án vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
(PLVN) - Ngày 25/4, TAND tỉnh Gia Lai đưa 2 vợ chồng Hà Thị Thê (SN 1990), Nguyễn Đức Hiệp (SN 1987, cùng ở thôn 2, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tuyên phạt Thê 16 năm, Hiệp 12 năm tù.

Lãnh 12 tháng tù vì 1 viên đạn

Bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Ngày 25/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Song Hào (SN 1969, ở Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử và tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.