6 tháng hoàn thành trên 58% dự toán
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tổ chức sáng nay - 16/7, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh (SXKD) đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Bộ Tài chính với điểm cầu tại 5 tổng cục thuộc Bộ và 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện trên 33,1 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra trên 323,9 nghìn hồ sơ khai thuế của DN; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 7,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 30,2 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 6,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 3,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 22,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình trạng nợ thuế của DN có xu hướng tăng. Tổng số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp, đòi hỏi ngành Tài chính cần làm tốt hơn công tác quản lý.
Dư địa từ tăng cường quản lý thu
Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.
Trong đề xuất giải pháp 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”- vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển SXKD, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, kiên quyết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã đề ra.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, sẽ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán Quốc hội giao.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho SXKD, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng cần tập trung rà soát những điểm chồng chéo, tháo gỡ các rào cản cho SXKD, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững; tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới; Ứng dụng chuyển đổi số, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng; Định kỳ đối thoại với DN và nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.