Cụ thể, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới (trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị). Tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu, sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp và nghiên cứu, xây dựng Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện và triển khai thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sau khi được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành ngay từ khâu soạn thảo.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu dẫn đầu đoàn liên ngành làm việc với Bình Dương về công tác kiểm tra, xử lý văn bản |
Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác và tổ chức thực hiện việc rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển…
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để bảo đảm thi hành án.
Về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện (khi được ủy quyền) giải pháp cải thiện, nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) lên 5 - 7 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10) lên 7 - 10 bậc.
Một hội nghị về giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức |
Thực hiện các giải pháp để tiếp tục cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật. Rà soát, cung cấp thông tin, số liệu thống kê để cập nhật dữ liệu đối với chỉ số thành phần Cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật nằm trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo theo yêu cầu của cơ quan có liên quan…
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngành Tư pháp sẽ triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW; tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, các Quyết định, Chương trình, Đề án có liên quan.
Một hội nghị trực tuyến chuyên đề về công tác xử lý vi phạm hành chính tại Long An |
Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm liên ngành về việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nước, đất và không khí, quản lý chất thải. Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, phấn đấu đưa vào khai thác kể từ năm 2021.
Đặc biệt, Bộ còn đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; triển khai đồng bộ, hiệu quả Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Ảnh minh họa - Một mô hình dịch vụ thanh toán mới |
Tiếp tục tăng số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình...
Cùng với nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng phòng ngừa các tranh chấp quốc tế, Bộ cũng tiếp tục phối hợp với TANDTC nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện pháp luật về phá sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với quản tài viên trong phạm vi nhiệm vụ được phân công. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật. Phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu lồng ghép các tiêu chí đánh giá, xếp hạng do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện vào nội dung khảo sát hàng năm của Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính...