Cấp xã không phải gửi xin ý kiến
Theo quy định tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì UBND cấp xã ở khu vực biên giới, nơi thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ con giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ. Sau khi đã thẩm tra hồ sơ, UBND cấp xã có văn bản gửi Sở Tư pháp để xin ý kiến, kèm theo bản chụp bộ hồ sơ.
Sở Tư pháp xem xét hồ sơ và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của UBND cấp xã. Trên cơ sở ý kiến của Sở Tư pháp, UBND cấp xã thực hiện đăng ký hoặc từ chối đăng ký.
Thực tế quản lý công tác hộ tịch trong thời gian qua cho thấy số lượng loại việc này không nhiều, ít phức tạp; hồ sơ, giấy tờ đã được đơn giản hóa tối đa. Tuy nhiên, trình tự giải quyết hiện hành đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết và mang tính hình thức.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch, Dự thảo Nghị định quy định người có yêu cầu sẽ nộp giấy tờ trực tiếp tại UBND cấp xã để công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 8 ngày làm việc.
Như vậy, Dự thảo Nghị định đã phân cấp triệt để cho UBND cấp xã tự quyết định đăng ký/không đăng ký các việc hộ tịch này, không phải gửi hồ sơ xin ý kiến của cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên. Nhưng trong trường hợp cần thiết, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xác minh khi giải quyết các yêu cầu đăng ký hộ tịch này.
Không gây ảnh hưởng đến quyền của người dân
Bên cạnh việc phân cấp cho cấp xã, Luật Hộ tịch cũng phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện. Hiện nay, các bản án, quyết định ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết, đã có hiệu lực pháp luật và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào sổ hộ tịch, cấp văn bản xác nhận để người dân thực hiện quyền kết hôn mới của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi Sở Tư pháp ghi vào sổ hộ tịch đều phải xin ý kiến Bộ Tư pháp, quy trình này mất nhiều thời gian, gây chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên và nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện ghi vào sổ việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết ở nước ngoài theo hướng việc kết hôn được ghi vào sổ hộ tịch của Việt Nam và cấp văn bản xác nhận nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam.
Yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn chỉ bị từ chối nếu không đáp ứng điều kiện kết hôn hoặc có căn cứ cho thấy việc kết hôn vi phạm quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc thuộc trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, thực hiện phân cấp triệt để về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đăng ký hộ tịch, Dự thảo Nghị định quy định bản án, quyết định ly hôn, hủy kết hôn, Bản thỏa thuận ly hôn hoặc giấy tờ khác công nhận việc ly hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đã có hiệu lực pháp luật và không vi phạm quy định pháp luật Việt Nam thì được UBND cấp huyện ghi vào sổ hộ tịch, không phải xin ý kiến cơ quan cấp trên.
Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả quản lý nhà nước về tình trạng hộ tịch của công dân, Dự thảo Nghị định quy định chỉ công dân Việt Nam đã ly hôn, bị hủy việc kết hôn ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mới phải thực hiện thủ tục này.
Thường xuyên “cọ xát” với thực tiễn, Trưởng phòng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Nguyễn Thị Phương Chung bày tỏ sự tán thành với nhiều quy định mang tính cải cách, tiến bộ trên. Tuy nhiên, theo bà Chung, đi cùng với việc phân cấp, các cơ quan quản lý cấp trên cần quan tâm hơn nữa việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ kỹ năng xử lý, giải quyết các vướng mắc cho công chức làm công tác hộ tịch ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu mới.