Văn phòng và Thanh tra sẽ là tổ chức “cứng”
Trình bày một số định hướng đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan tư pháp địa phương (dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV), Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Ngọc Vũ cho biết sẽ bổ sung các chức năng, nhiệm vụ mới được giao cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cụ thể như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhiệm vụ về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; nhiệm vụ về hòa giải thương mại theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định về hòa giải thương mại...
Một trong những nội dung được quan tâm nhất chính là cơ cấu tổ chức, biên chế của các Sở Tư pháp. Hiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (đã được Bộ Tư pháp thẩm định ngày 14/6/2018) dự kiến quy định cơ cấu tổ chức của Sở gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Chi cục và các tổ chức tương đương; đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, dự thảo Nghị định đã quy định về điều kiện thành lập các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ (quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; khối lượng công việc yêu cầu được bố trí tối thiểu từ 7 biên chế trở lên đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; tối thiểu từ 6 biên chế trở lên đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1; tối thiểu từ 5 biên chế trở lên đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 2 và loại 3...) và Thanh tra của Sở.
Trên cơ sở dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, dự thảo Thông tư đã đề xuất quy định các phòng thuộc Sở như sau: Văn phòng; Thanh tra; các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, Văn phòng và Thanh tra là 02 tổ chức cứng (theo quy định tại Điều 4 và Điều 23 Luật Thanh tra thì Thanh tra Sở là tổ chức bắt buộc phải thành lập).
Đối với Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp, dự thảo Thông tư đang đề xuất theo hướng gắn với biên chế được giao cho Sở Tư pháp và tiêu chí thành lập Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở theo nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (phân theo từng loại đơn vị hành chính cấp tỉnh).
Nhiều đề xuất mạnh dạn
Tại Hội thảo tham vấn, rất nhiều ý kiến của lãnh đạo các Sở Tư pháp đã đưa những đề xuất thẳng thắn, mạnh dạn nhằm hiện thực chủ trương cải cách hành chính hiện nay. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Chung nhấn mạnh, chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế đang rất “nóng” nên ngành Tư pháp không thể ngoài cuộc.
Ông Chung đồng tình, cấp phòng ở Sở phải có 5 biên chế trở lên/phòng nhưng vẫn nên có trưởng, phó phòng để khuyến khích được người làm tốt, hạn chế người làm kém.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ Trần Thị Nhung phản ánh, các Sở Tư pháp đang được giao khoảng 26 nhiệm vụ quản lý nhà nước, Phú Thọ có 34 biên chế và tới đây phải giảm theo chủ trương chung. Vì vậy, bà Nhung mạnh dạn đề xuất giảm bớt một số lĩnh vực như giao dịch bảo đảm, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Ấu Duy Quang thẳng thắn đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu có mô hình tập trung thống nhất, chứ phân chia cấp phòng theo đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, loại 2, loại đặc biệt... cũng không có nhiều ý nghĩa.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cho biết, việc thực hiện tự chủ đối với Phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá hay không của các địa phương rất khác nhau. Từ đó, vị này đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản gửi Thành ủy, Tỉnh ủy để giúp địa phương nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của đơn vị sự nghiệp.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự nhất trí của các đại biểu về sự cần thiết thay thế Thông tư liên tịch 23 và ghi nhận các ý kiến liên quan quản lý nhà nước về một số lĩnh vực của ngành. Về cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, theo Thứ trưởng đã có nhiều thảo luận sâu sắc, tập trung vào việc thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng, gắn với giảm mạnh các phòng, trong đó có ý kiến giữ cấp phòng để tạo động lực phấn đấu nhưng điểm hạn chế là gây chia cắt công việc.
Nhận thấy sự thống nhất cao đối với 2 tổ chức “cứng” là Văn phòng, Thanh tra, Thứ trưởng cho rằng số lượng phòng chuyên môn nên linh hoạt cho các địa phương và tán thành việc giảm số lượng phòng thì cần sáp nhập, đề xuất ghép các lĩnh vực liên quan nhưng cần làm sao đảm bảo mô hình thống nhất tương đối trong toàn quốc.