Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Thông tư này ban hành, theo Bộ Tư pháp, sẽ tạo “cơ sở pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, nâng cao chất lượng công chứng viên”.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng, 5 năm thi hành Luật Công chứng với chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ, hoạt động công chứng đã có những bước tiến dài. Tuy nhiên, trong những tồn tại của hoạt động công chứng có vấn đề chất lượng công chứng viên. Theo Bộ Tư pháp, vẫn còn một bộ phận công chứng viên còn yếu kém về nghiệp vụ, thiếu kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có vấn đề tập sự hành nghề công chứng.
Ảnh minh họa |
Phải qua tập sự 1 năm
Theo dự thảo Thông tư nói trên, thời gian tập sự hành nghề công chứng là mười hai tháng. Trong thời gian tập sự hành nghề công chứng, người tập sự phải có thời gian thực tế tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng ít nhất là 4h/ngày làm việc.
Tính đến nay, trong cả nước đã có hơn 900 công chứng viên, tăng gần 3 lần so với thời kỳ 15 năm thực hiện 3 Nghị định về công chứng (Nghị định số 45/HĐBT, Nghị định số 31/CP và 75/CP). Không chỉ tăng lên về số lượng, đội ngũ công chứng viên cũng ngày càng được trẻ hóa và được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. |
Để tránh tình trạng người tập sự thường xuyên thay đổi nơi tập sự, gây khó khăn cho công tác quản lý và giám sát của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời để bảo đảm hiệu quả của việc tập sự, Dự thảo Quy chế quy định thời gian tập sự tại mỗi tổ chức hành nghề công chứng ít nhất là bốn tháng và phải có xác nhận bằng văn bản của tổ chức hành nghề công chứng nơi người đó đã tập sự, nhận xét bằng văn bản của công chứng viên hướng dẫn; trong trường hợp bất khả kháng thì thời gian tập sự tối thiểu được tính là một tháng. Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp bất khả kháng.
Cũng theo Dự thảo, việc tập sự được tiến hành tại một tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người tập sự cư trú. Các vấn đề về trình tự, thủ tục thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng được quy định cụ thể tại Thông tư nhằm giúp cho người tập sự hành nghề công chứng hoàn thành việc tập sự mà không bị gián đoạn.
Giao quyền giám sát là không khả thi?
Theo Dự thảo Thông tư tập sự, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Hội công chứng tỉnh, thành phố) của công chứng viên có trách nhiệm giám sát người tập sự hành nghề công chứng, công chứng viên hướng dẫn và tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự trong việc thực hiện Quy chế.
Căn cứ vào quy định của Quy chế tập sự và Điều lệ của mình, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thành lập ở Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giám sát tập sự hành nghề công chứng.
Tuy nhiên,quá trình xây dựng Thông tư, nhiều ý kiến cho rằng quy định này thiếu tính khả thi. Hiện nay trên cả nước chỉ mới có Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh đã thành lập được Hội công chứng (Đà Nẵng có câu lạc bộ công chứng) thì giao giám sát sẽ không thực tế.
Tuy nhiên, vấn đề này, Vụ Bổ trợ tư pháp cho rằng vẫn nên đưa tổ chức xã hội, nghề nghiệp của công chứng viên vào đối tượng áp dụng của Quy chế, đồng thời quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức vì các tổ chức này sẽ được thành lập ở nhiều địa phương trong thời gian tới. Ở những địa phương chưa thành lập được tổ chức này thì Sở Tư pháp sẽ tạm thời gánh vác cả trách nhiệm giám sát và quản lý nước.
Ý kiến: * Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Văn phòng Công chứng Từ Liêm, Hà Nội: Nên để người tập sự làm các công việc của công chứng viên, trừ ký hợp đồng - Nên quy định người tập sự hành nghề được làm các việc của công chứng viên như kiểm tra nhân thân, tài sản, nghiên cứu hồ sơ, tư vấn khách hàng, soạn thảo hợp đồng…rồi trình công chứng viên ký hợp đồng, giao dịch. Sau thời gian tập sự, người hết tập sự phải làm báo cáo xem anh đã làm được những việc gì, số lượng bao nhiêu để tổ chức hành nghề công chứng xác nhận.Tôi cho rằng việc quy định thời gian tập sự 1 năm là phù hợp. * Ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng công chứng số 3 Hà Nội: Lưu ý những người được miễn đào tạo nghề - Tập sự hành nghề công chứng là rất nên, vì nghề này rủi ro lớn, đòi hỏi cả kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý Thông tư hướng dẫn không được vượt ra ngoài khuôn khổ của luật. Luật công chứng quy định cụ thể về những trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng thì cũng được miễn luôn tập sự. Nếu Thông tư không “trừ” họ ra là không ổn. Lâu dài, nên đưa vấn đề này khi sửa đổi Luật Công chứng. * Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự: Cần có quy định về kiểm tra hết tập sự - Có quy định về tập sự nhưng nếu không quy định về kiểm tra hết tập sự thì vô hình chung sẽ “tháo khoán” đầu ra, tập sự không đạt được mục đích thực chất. Giống như nghề luật sư, sau thời gian tập sự phải thi, phải kiểm tra, và được công nhận thì tập sự mới có giá trị. Công chứng cũng là nghề đặc thù nên cũng cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể. B.An |
T.H