Các DN viễn thông cung cấp dịch vụ 3G đều tha thiết mong cơ quan chức năng sớm có phương án giải chấp tiền đặt cọc 3G, vì DN đã hoàn thành cam kết mà vẫn phải chịu trả lãi ngân hàng cho khoản tiền nghìn tỉ đặt cọc.
Viettel là nhà mạng đã hoàn thành các cam kết sau khi nhận được giấy phép triển khai 3G |
Ngàn tỉ “nằm im” trong khi tiền đầu tư không có
Theo cam kết của các hồ sơ trúng tuyển 3G, trong ba năm sau khi trúng tuyển, MobiFone, VinaPhone, Viettel, liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom sẽ đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng cho mạng lưới 3G với khoảng 30.000 trạm phát sóng 3G. Các DN đặt cọc 8.100 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện cam kết này. Số tiền đặt cọc được gửi vào một trong hai ngân hàng lớn nhất quốc gia là BIDV hoặc Agribank, được hưởng lãi suất như tiền gửi ngân hàng.
Cuối tháng 12/2010, Viettel, MobiFone và VinaPhone đã được rút 50% tiền đặt cọc 3G, tương đương với 3.750 tỷ đồng sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận đã hoàn tất các cam kết đầu tư cho 3G.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng đã đề nghị được sớm giải chấp số tiền đặt cọc thi tuyển giấy phép cung cấp dịch vụ 3G.
“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, tiền để gửi ngân hàng lãi suất thấp, trong khi đó vay ngân hàng vốn để phát triển hạ tầng, mạng lưới lãi suất lại cao, riêng tiền chênh lệch lãi suất đã ở con số không nhỏ. Chính vì vậy, DN mong muốn được nhận lại số tiền đặt cọc còn lại để đầu tư cho phát triển mạng lưới, hạ tầng, đặc biệt là cho mạng 3G trong việc mở rộng vùng phủ sóng cũng như đa dạng hơn các dịch vụ và gói cước” – ông Hùng nói.
Phải có phương án xử lý sớm
Trước nguyện vọng chính đáng của các DN đã hoàn thành cam kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trước 15/2, các cơ quan quản lý phải trình phương án xử lý số tiền đặt cọc thi tuyển 3G còn lại của các DN viễn thông. “Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính nên có sự trao đổi sớm với nhau về việc giải ngân số tiền vốn đặt cọc thi tuyển 3G còn lại để có phương án trả lời dứt khoát cho các DN, không thể để tiếp tục kéo dài thêm” – Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo thống kê của các DN, đến nay, đã có 33.700 trạm BTS 3G trên toàn quốc, thậm chí một số DN đã triển khai vượt mức cam kết tại thời điểm 3 năm sau khi cấp phép. Vùng phủ sóng 3G theo dân số và diện tích lãnh thổ trên toàn quốc đạt trung bình 91,5%. Các DN sử dụng lại 100% hạ tầng trạm BTS 2G có sẵn để triển khai trạm Node B 3G. Tổng số thuê bao 3G đạt 12,8 triệu, tốc độ trung bình truy cập dịch vụ đạt từ 2,5Mb/s đến 3,072 Mb/s.
10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VNPT NĂM 2011 1. Năm 2011 VNPT đã đạt doanh thu trên 120.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2010. Nộp ngân sách nhà nước 6.461 tỷ đồng, đạt 118,55% kế hoạch. 2. Theo số liệu thống kê, xếp hạng của Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report), Báo điện tử VietNamNet và Tạp chí Thuế, năm 2011, VNPT là DN dẫn đầu danh sách 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất trong ba năm liên tiếp (2008-2010) cho ngân sách quốc gia. Tiếp đó, tại Bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam 2011 do VietNam Report và VietNamNet thực hiện và công bố ngày 29/11/2011, VNPT còn là DN viễn thông duy nhất nằm trong Top 5 DN lớn nhất Việt Nam. 3. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn về việc nâng cao hiệu quả SXKD, đổi mới toàn diện các cơ chế nội bộ, năm 2011 VNPT đã thực hiện thành công 5 mũi đột phá trong công tác quản lý, điều hành SXKD, tạo sức bật mới để VNPT tiếp tục đổi mới toàn diện và phát triển bền vững trong giai đoạn chiến lược mới. 4. VNPT được trao giải thưởng quốc tế “Băng rộng thay đổi cuộc sống” 2011 tại Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Pari Pháp (9/2011), ghi nhận sự đánh giá của cộng đồng VT - CNTT thế giới về những nỗ lực của VNPT nói riêng và ngành VT - CNTT Việt Nam nói chung trong việc phát triển mạng băng rộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Cũng năm 2011, tại các giải thưởng Quốc gia về CNTT-TT trong nước, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí là DN số 1 với việc được trao 4/6 giải thưởng lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông cố định, di động, Internet. 5. Bưu chính VNPT triển khai thực hiện Luật Bưu chính, sử dụng biểu trưng thương mại mới và đạt nhiều thành công trong hợp tác kinh doanh 6. VMS – Mobifone và Bưu điện Trung ương được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 7. Thông điệp “Trao Nụ cười, nhận niềm tin” được đưa ra trong Tuần lễ VNPT 2011. 8. VNPT vì cộng đồng – cam kết thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, năm 2011 là năm VNPT đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiều hạng mục cơ bản trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè, Lai Châu, theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ. VNPT đã phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai chương trình xây dựng 62 điểm Internet Thanh niên tại 62 huyện nghèo trên toàn quốc. Năm 2011, tổng kinh phí VNPT dành cho các chương trình vì cộng đồng là 118 tỷ đồng. Đây là số tiền Tập đoàn đóng góp cho an sinh xã hội trong một năm, lớn nhất từ trước đến nay. 9. Công đoàn Bưu điện Việt Nam tổ chức nhiều phong trào thi đua sâu rộng, đạt hiệu quả cao, như Sáng tạo VNPT, Chất lượng VNPT, Nụ cười VNPT, Người VNPT sử dụng sản phẩm, dịch vụ của VNPT... 10. Xây dựng Phòng trưng bày Bảo tàng Bưu điện tại trụ sở Tập đoàn, đã được khai trương nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện (15/8/1945 - 18/5/2011) và là Công trình chào mừng thành công của Đại hội Đảng XI. |
Bách Nguyễn