PGS.TS Tào Thị Quyên cho biết: Từ Đại hội IX (2001), Nhà nước pháp quyền XHCN trở thành một khái niệm chính trị - pháp lý chính thức trong xã hội Việt Nam, được coi là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà nước ta đang xây dựng. Từ đó, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dần dần được hiện thực hóa, trở thành một trong những nền tảng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh việc thừa nhận những giá trị phổ biến của văn minh nhân loại về Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam còn mang những nét đặc thù khác biệt, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị của đất nước.
Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là đặc trưng thể hiện nét đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và đã được khẳng định ở Điều 4 của Hiến pháp năm 2013.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bảo đảm bản chất thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thông qua cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn; thông qua công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động và sự gương mẫu của Đảng viên; thông qua công tác kiểm tra, giám sát.
Đảng lãnh đạo việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật. Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là yêu cầu khách quan và tất yếu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng XHCN, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nguồn gốc, nội dung quyền lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực quản lý của Nhà nước đều xuất phát từ Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo đảm mục tiêu của xã hội XHCN mà Nhân dân ta đã lựa chọn, một mặt bản thân Đảng phải được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước; mặt khác đòi hỏi nhà nước phải có đủ năng lực để thực hiện các chức năng, thẩm quyền theo sứ mệnh mà xã hội đã trao cho nó.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền XHCN chính là cơ sở khách quan để phòng ngừa nguy cơ Nhà nước lạm dụng, tha hoá quyền lực, Nhà nước thực hiện đầy đủ các chức năng, quyền hạn của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phục vụ xã hội, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Điều 2, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Đây là điều khoản khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Nhân dân đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Đồng thời, Điều 3, Điều 6, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm chủ quyền của Nhân dân, đó là: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân…”.
Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước có mục đích đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, đặt quyền lợi của Nhân dân, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.