Tại cuộc họp báo quý II của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chiều qua, 9/7, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, ông Phùng Đình Thực cho biết từ nay đến năm 2015, nếu thời cơ có, thị trường tốt, vốn nhà nước đảm bảo an toàn thì Petrovietnam sẽ thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên ông Thực cũng tỏ ra “tiếc” nếu phải thoái hết vốn tại Tcty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) và Tcty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).
“Nói là thoái vốn đến 2015 nhưng nếu mai có ông nào mua thì chúng tôi cũng bán ngay”. Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp báo, ông Thực cho biết, Petrovietnam đã hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2012- 2015 trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ. Đề án cơ bản được các Bộ, ngành tán thành. Dự kiến báo cáo Chính phủ trong nửa đầu tháng 7 để phê duyệt. Các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán (khoảng 5.000 tỷ đồng) Tập đoàn sẽ thực hiện thoái vốn đến năm 2015. “Từ nay đến năm 2015, nếu thời cơ có, thị trường tốt, vốn nhà nước đảm bảo an toàn thì sẽ thoái vốn. Nếu sớm hơn thì càng tốt…”- ông Thực cho biết.
Tuy nhiên, ông Thực cho biết Tập đoàn đang kiến nghị không thoái vốn hoàn toàn 100% đối với PVI và PVFC. PVFC thành lập cách đây 12 năm, chức năng nhiệm vụ không như đơn vị tài chính khác mà là để thu xếp vốn cho Petrovietnam. Còn PVI thành lập cách đây 16 năm, có chức năng quản lý rủi ro, quản lý tài sản cho Tập đoàn.
“Hai đơn vị này không sinh ra theo phong trào như nhiều đơn vị khác thành lập ồ ạt vào những năm 2005- 2006. Vì vậy chúng tôi đang kiến nghị giữ lại 20% vốn Tập đoàn đối với PVFC và 18% đối với PVI. Tuy nhiên, nếu không được chấp thuận chúng tôi sẽ chấp hành…”- ông Thực nói. Ông Thực cũng lưu ý: “Nói là thoái vốn đến 2015 nhưng nếu mai có ông này mua thì chung tôi cũng bán ngay mà không đợi đến 2015. Còn trường hợp từ nay đến thời điểm đó mà không có ai mua thì… sẽ lại khó khăn khác”.
Liên quan đến việc sáp nhập hai nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau, ông Thực cho biết Tập đoàn đang cân nhắc 2 phướng án: Phương án 1, Tập đoàn chuyển vốn của Tập đoàn cho nhà máy đạm Cà Mau. Phương án 2 , Nhà máy đạm Phú Mỹ đề nghị mua 51% của đạm Cà Mau.
“Thực hiện theo phương án 2 có nhược điểm là quá trình sát nhập rất lâu, đánh giá tài sản là bao nhiêu, mua 51% với giá báo nhiêu? Chúng tôi đang cân nhắc chọn phương án tốt nhất, sao cho thống nhất hệ thống kinh doanh, đại lý, tiết giảm chi phí bởi 2 nhà máy hiện đang có 2 hệ thống kinh doanh, phân phối khác nhau như vậy là không hợp lý…”- ông Thực cho biết.
Liên quan đến số tiền 21.000 tỷ đồng “quên” không nộp ngân sách, ông Thực khẳng định Petrovietnam thực hiện nghiêm túc việc nộp NSNN và được sự kiểm tra chặt chẽ của Bộ, ngành, theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là Nghị định 142 của Chính phủ có quy định rõ Petrovietnam nộp NSNN 50%, còn lại 50% để lại đầu tư cho hoạt động dầu khí. Hiện nay, phần để lại Petrovietnam đã đầu tư đúng cho 12 công trình trọng điểm đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt. “Chính vì có ý kiến của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, hôm nay ching tôi vừa làm việc về vấn đề này để thống nhất lại con số. Cụ thể chúng tôi sẽ báo cáo lại sau - ông Thực nói.
Báo cáo của Petrovietnam cho biết, trong 6 tháng đầu năm Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 380,6 nghìn tỷ đồng, bằng 121,5% kế hoạch 6 tháng và 57,6% kế hoạch năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2011; Nộp NSNN đạt 81,2 nghìn tỷ đồng, bằng 129,1% kế hoạch 6 tháng và 60,2% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2011…
T.Lan