* Thưa ông, kể từ thời điểm lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chính thức hoạt động theo mô hình ngành dọc, rất nhiều vụ việc cực lớn được phát hiện, những địa điểm trước đây vốn dĩ là “bất khả xâm phạm” như Trung tâm thương mại, các kho hàng tại sân bay hay các chợ truyền thống cũng đã có “dấu giày” của QLTT. Không thể phủ nhận việc lực lượng QLTT đã có những chiến công khá lớn nhưng có đánh giá cho rằng, những vụ việc đã được lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện và xử lý cũng chỉ như “muối bỏ biển”, ông có suy nghĩ gì về đánh giá này?
- Trong 9 tháng qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 65.000 vụ vi phạm; Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 215 tỷ đồng; ước giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 250 tỷ đồng.
Tính trung bình, mỗi ngày trên toàn quốc đã xử lý hơn 240 vụ việc vi phạm. Một con số cũng đáng kể trong tình hình nhân lực của QLTT khá mỏng.
Trong thời gian qua, Tổng cục QLTT đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ Chính phủ; Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như nhiều doanh nghiệp, đại diện nhiều chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong việc xóa sổ những cơ sở, những xưởng sản xuất giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Uniqlo, The north face, LV, Chanel, Tân Thành Phát, Honda…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gửi Thư biểu dương thành tích xuất sắc của lực lượng QLTT trong vụ việc phát hiện, kiểm tra, xử lý kho hàng hóa hơn 10.000 m2 với trên 150.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại số 145 Hoàng Diệu, tỉnh Lào Cai; Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã trao thư cảm ơn sau khi lực lượng này kịp thời phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn hàng giả trước khi được tuồn ra thị trường.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.
Vấn nạn này xuất hiện ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.
Cùng với đó, nhiều người dân cũng vẫn có hành động tiếp tay cho hàng giả có đất sống (dù vô tình hay cố ý) nên tình trạng kiểm soát được hàng giả, hàng nhái cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chưa kể, các đối tượng sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái lại có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng.
Nhưng dù thế chúng tôi cũng vẫn nỗ lực hết mình, “tiến công” mạnh mẽ hơn nữa để bịt đường đi của hàng giả, hàng nhái, mang lại quyền được mua “chuẩn hàng, đúng giá” cho người tiêu dùng.
* Ông có đề xuất gì để khắc phục được thực trạng nhức nhối này?
- Chúng tôi kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo 389 các địa phương phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm của từng cơ quan, tổ chức tại các địa bàn như QLTT, công an, chính quyền các cấp, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, làng nghề, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề tại địa phương. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai theo dõi, giám sát, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên, đột xuất, xử lý triệt để các cơ sở vi phạm tại các địa bàn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị tăng cường các giải pháp phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và cơ quan thực thi nhằm chủ động điều tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội, ứng dụng di động trong tình hình mua sắm trực tuyến đang lên ngôi hiện nay; Đồng thời đã báo cáo cấp có thẩm quyền về sửa đổi Nghị định 52 về TMĐT.
* Theo ông, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng thì cần yếu tố gì khác để xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái?
- Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục yêu cầu toàn lực lượng quyết liệt thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa và kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT, kết hợp với tuyên truyền, cho các cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT.
Cuộc đấu tranh với hàng gian lận thương mại đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. |
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm.
Hiện, lực lượng QLTT tập trung triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.
Chúng tôi mong muốn, người tiêu dùng cần nâng cao sự hiểu biết của mình về những sản phẩm mình đang có nhu cầu mua, nhu cầu sử dụng như giá, công dụng, tính năng, lợi ích,… nhất là đối với những sản phẩm, hàng hoá ảnh hướng trực tiếp đến sức khoẻ của họ như mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm chế biến. Đồng thời chủ động tố giác các hành vi vi phạm (nếu phát hiện ra) để bảo vệ mình, những người tiêu dùng khác và những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc phòng tránh tiêu dùng phải hàng giả; cần tăng cường, chủ động điều tra, phát hiện vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
* Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!