Với Hoàng Võ, anh vốn yêu thích và có sở trường về tranh chân dung màu nước, nhưng đến với “Ờ”, anh tập trung nhiều hơn vào vật liệu tổng hợp, loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện của anh khá ấn tượng. Kinh qua nhiều bút pháp, nhưng có lẽ đến loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện này thì Hoàng Võ mới “hiện nguyên hình”, mới nói được cái bản thể băn khoăn, dằn vặt.
Điều thú vị là dù diễn đạt một căng thẳng đến không thể chịu đựng nổi, một tương lai đầy bất trắc, nhưng loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện của Hoàng Võ không sa vào sự minh họa, vẫn giữ vững tinh thần thị giác trung lập, biểu nhiều hơn hiện, gợi nhiều hơn nói, cảm nhiều hơn ý.
Đây đúng là những bức tranh bản lề của Hoàng Võ, hứa hẹn một lối rẽ khác, một bước đi mới của cây cọ đã vững vàng. Cũng tại triển lãm này, những bức trừu tượng trong loạt tranh “Những tầng tương lai” và “Hoang dã” của Hoàng Võ càng mang dấu của sự thay đổi, sự rời bỏ thói quen vẽ.
Như trái lại sự dễ gần của Hoàng Võ, ở đời thường, Thái Vĩnh Thành luôn có một chút xéo sắc và một khoảng cách nho nhỏ với đa số, trừ những người thực sự thân thiết. Thế nhưng tranh của Thái Vĩnh Thành thì ngược lại hoàn toàn, chúng khá dễ gần, tươi vui. Đặc biệt với tranh trừu tượng, chúng thường có sự liên nối thi vị từ cái ý của tên phẩm đến sự xóa nhòa ranh giới về hình và ý.
Trừu tượng của Thái Vĩnh Thành là sự kết hợp của bút pháp Tây phương và tinh thần thủy mặc của Đông phương. Trừu tượng của Thái Vĩnh Thành nghiêng nhiều về tính trữ tình, về cảm tính, thay vì kỹ thuật và lý tính, anh như muốn diễn tả tâm thức và tâm thế của cái tôi-vô hình.
Trong một cuộc trò chuyện, Thái Vĩnh Thành cho biết anh đang muốn dấn sâu vào sự buông lỏng và tối giản, để làm sao trừu tượng chỉ còn là sự khơi gợi nhẹ nhàng về cảm tính mà đủ đầy về kỹ thuật thể hiện. Như vậy, với “Ờ”, đây cũng là những bức tranh trừu tượng mang tính bản lề, là “đời cuối” của dòng trừu tượng mà Thái Vĩnh Thành đang theo.
Lê Hải Triều vốn ngọt ngào và khiêu gợi với những chân dung thiếu nữ, đây cũng là một sở trường của anh. Về đời thường, tính cách của Lê Hải Triều là sự pha trộn - nếu có thể nói vậy - giữa Hoàng Võ và Thái Vĩnh Thành, không gần gũi và cũng không xéo sắc. Tại triển lãm này, chân dung của Lê Hải Triều có hai sắc độ. Thứ nhất là những bức vẽ sự thả lỏng của cơ thể. Khi ta thả lỏng cơ thể được là lúc ta chỉ chuyên chú vào cơ thể, nghĩa là chỉ có ta và cơ thể, hoàn toàn không có đối tượng khác chen vô.
Về tên của triển lãm: “Ờ”! Hỏi thì ba họa sĩ chỉ cười và nói: “Thì nó là ờ”. Nhưng trong tiếng Việt, ờ hoặc ờm là tiếng thốt ra, nhằm biểu lộ sự đồng tình hoặc sực nhớ ra điều gì đó. Đem mấy chục bức tranh ra bày, rồi cùng nhau ờ lên một tiếng, phải chẳng ba họa sĩ đang sức nhớ ra một điều gì đó? Đã đến lúc mở thêm một lối đi, đầy thêm một cánh cửa chăng?