Nước rửa tay có công dụng “thần thánh”?
Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, hiện nay trên thị trường có hàng ngàn loại nước rửa tay mới ra đời. Nhiều loại nước rửa tay được quảng cáo có nano bạc, thảo dược,… với giá cả từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/lọ. Để đánh vào tâm lý lo lắng của người dân, một số công ty đã quảng cáo mặt hàng này có công dụng “thần thánh”.
Đơn cử như loại dung dịch rửa tay khô 10s của công ty TNHH TM& Đầu tư Khang Minh, được sản xuất tại công ty cổ phần Nam Dược Hải Long (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) được quảng cáo có công dụng giúp ngăn ngừa các loại vi khuẩn gây bệnh trên da, phòng và ngừa một số bệnh truyền nhiễm như Corona, H5N1, Ebola, Mers, Sars, dịch chân tay miệng, các bệnh về đường tiêu hóa... Ngoài ra có thể thoa lên vùng da ở tay, chân người dễ bị muỗi đốt để phòng dịch sốt xuất huyết.
Nước rửa tay được nhà sản xuất "khuyến cáo" dành cho người có sức đề kháng yếu |
Nhà sản xuất cũng "khuyến cáo" đối tượng sử dụng của loại nước rửa tay này gồm cả người có sức đề kháng yếu có nguy cơ nhiễm bệnh; người tiếp xúc với người bệnh hoặc trong môi trường có dịch bệnh; học sinh, sinh viên, người làm việc chỗ đông người, khu vực công cộng; người cần vô trùng khi vào phòng làm việc kỹ thuật, phòng cách ly, phòng cần sự vô trùng tuyệt đối.
Hay một loại nước rửa tay khác cũng của công ty cổ phần Nam Dược Hải Long sản xuất là nước rửa tay khô Revolu được nhà sản xuất giới thiệu có công nghệ tối ưu từ các hạt Nano bạc giúp diệt đến 99,9% các vi khuẩn, virus gây bệnh qua tiếp xúc bảo vệ da tay và diệt khuẩn hữu hiệu. Vitamin E kết hợp với các thành phần từ thiên nhiên giúp dưỡng ẩm da tay và chống lão hóa...
Bên cạnh đó, Gel rửa tay khô Clean Rub của công ty cổ phần Dược phẩm Pulipha (huyện Thanh Hà, Hải Dương) trên nhãn cũng in nổi bật dòng chữ “diệt 99% vi khuẩn”. Phần công dụng của sản phẩm này còn ghi: kháng khuẩn, ngăn ngừa virut, vi khuẩn gây bệnh. Điều đáng nói, liệu sản phẩm này đã được kiểm nghiệm chứng nhận khả năng diệt 99% vi khuẩn vi rút như quảng cáo hay chưa?
Sản phẩm được quảng cáo diệt 99.9% vi khuẩn |
Được biết, những sản phẩm trên đã được Sở Y tế Hải Dương cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm và được phép lưu thông trên thị trường.
Có phải mỹ phẩm hay không?
Tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 06/2011/TT của Bộ Y tế định nghĩa về sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người như móng tay, móng chân, môi… với mục đích chính là để làm sạch.
Cùng với đó, công văn 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược ban hành ngày 10/02/2012 cũng có hướng dẫn những sản phẩm có mục đích sử dụng khử khuẩn, khử trùng, kháng khuẩn chỉ được chấp nhận phù hợp với tính năng sản phẩm mỹ phẩm nếu được công bố là công dụng thứ hai của sản phẩm. Đồng thời, những sản phẩm diệt nấm, diệt virus không được phân loại là mỹ phẩm.
Như vậy, có thể nhận thấy các sản phẩm trên được quảng cáo có công dụng chính là kháng khuẩn, sát khuẩn, diệt khuẩn không được phân loại là mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế hiện nay được quản lý bởi Nghị định 91/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Theo đó, Nghị định này quy định rất chặt chẽ các điều kiện sản xuất, đăng ký lưu hành, kinh doanh, bảo quản… chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế và gia dụng. Đồng thời, sản phẩm phải được kiểm nghiệm để xác định thành phần và hàm lượng hoạt chất trong chế phẩm diệt khuẩn. Sản phẩm phải được cấp số đăng ký sản xuất và lưu hành của Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế.
Việc các sản phẩm nước rửa tay đã nêu được Sở Y tế Hải Dương cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm và được phép lưu thông trên thị trường nhưng lại quảng cáo có tính năng chính là diệt khuẩn, sát khuẩn vô tình đã tạo khó khăn trong việc quản lý, thiếu công bằng trong cạnh tranh thương mại, mà nguy hiểm hơn có thể gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Được biết, trước đó Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã có công văn đề nghị các cơ sở rà soát thông tin trên nhãn sản phẩm, bao bì chứa sản phẩm và tờ hướng dẫn sử dụng (nếu có) đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với các loại nước rửa tay, yêu cầu cơ sở gửi mẫu nhãn về sở Y tế để xem xét. Song không hiểu vì sao nội dung trên không bị phát hiện?
(còn tiếp)
Bài 2: Doanh nghiệp đã 'qua mặt' Sở Y tế như thế nào
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu