Nhắc đến nước mắm Phú Quốc là nhắc đến một thương hiệu nức tiếng không chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp chế biến nghề truyền thống nước mắm tại đây đang phải vật lộn để chống chọi với thương lái Trung Quốc.
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ tại (Quyết định số 01 ngày 1/6/2001). Đây là sự kiện mang tính lịch sử đối với một nghề truyền thống, không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Quốc mà còn mang đến mở ra những cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng.
Qua hơn một thập kỷ nước mắm Phú Quốc được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, từ 68 cơ sở với sản lượng từ 5-6 triệu lít/năm, đến nay đã có 104 cơ sở, sản lượng đạt 30 triệu lít/năm, sản lượng tăng gấp 5 lần so với trước.
Tuy nhiên, với tốc độ phát tiển khá nhanh, nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc cũng nảy sinh những khó khăn mới. Đó là nguồn cá cơm, nguyên liệu cho sản xuất nước mắm không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm nảy sinh tình trạng tranh mua, tranh bán và không kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nước mắm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Đây chính là nguyên nhân nước mắm Phú Quốc sau hơn 10 năm được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm được mang tên chỉ dẫn trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho rằng, những người trung thành với nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về vốn và khó khăn về nguyên liệu cá cơm. Thực tế hiện nay, tại vùng biển của Phú Quốc, cá cơm chỉ đáp ứng được một phần, một phần còn lại phải khai thác vùng biển khác, thậm chí là ở Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng biển ngoài khơi vịnh Thái Lan… thì mới đủ đáp ứng nhu cầu chế biến nguyên liệu của các cơ sở sản xuất nước mắm trên điạ bàn huyện đảo.
Có hay không “chiến dịch” vét sạch cá cơm
Từ giữa tháng 9/2012 đến nay, giá cá cơm làm nước mắm trên địa bàn tỉnh tăng đột từ 8.000 - 9.000 đồng lên 16.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi giá bán cho các nhà thùng nước mắm so với thời điểm trước đây). Nguyên nhân chính của việc tăng giá cá cơm là do các thương lái Trung Quốc thu mua cá cơm nguyên liệu với giá cao tại Cà Ná (Ninh Thuận) để làm cá hấp hoặc sấy khô. Từ đó, một số thương lái trong đất liền đã liên hệ với các chủ vựa và hình thành một hệ thống thu mua cá cơm từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Phú Quốc (Kiên Giang).
Cá cơm sau khi đánh bắt được một số chủ ghe thu mua lại ngay trên ngư trường với giá 16.000 đồng/kg (gấp 2 lần giá bình thường), sau đó chuyển vào Ba Hòn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) bán cho các đầu mối với giá 18.000 đồng/kg. Cá cơm này được chuyển về Phan Thiết bán lại cho các cơ sở làm khô hoặc làm cá hấp để chuyển về Trung Quốc với giá 22.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc than trời về việc hiện nay nhiều nhà thùng (cơ sở sản xuất nước mắm) trên địa bàn huyện đảo này không còn nguyên liệu cá cơm để sản xuất nước mắm buộc phải tạm ngưng hoạt động, chờ giá cá giảm xuống. Phú Quốc hiện có trên 100 doanh nghiệp làm nước mắm, với tổng sản lượng khoảng 30 triệu lít/năm.
Những năm gần đây, tình trạng khan hiếm nguyên liệu cá cơm trên vùng biển Kiên Giang và Cà Mau ngày càng nghiêm trọng do nạn khai thác quá mức, một số cơ sở sản xuất nước mắm quy mô lớn đã phải tự tổ chức đội tàu đánh bắt cá cơm hoặc cho tàu sang thu gom của ngư dân Campuchia, Thái Lan… mới đủ nguồn nguyên liệu.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cá cơm không chỉ khiến hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở nước mắm bị đình trệ, mà các doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước còn đối diện trước nguy cơ phá sản do phải bồi thường hợp đồng vì không giao sản phẩm đúng hạn.
Nhiều ý kiến tại Kiên Giang thậm chí còn không loại trừ khả năng về một “âm mưu” thôn tính đang nhắm vào thương hiệu nước mắm nổi tiếng nhất của Việt Nam. PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.
Ngọc Long