Sáng 23/3, NSND Thanh Tuấn đã tổ chức buổi lễ khai giảng lớp truyền nghề ca vọng cổ tại công ty do ông sáng lập ở quận Tân Bình, TP HCM. Đây là ước nguyện nhiều năm của ông muốn góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới cho sàn diễn cải lương tại TP HCM.
Soạn giả Trần Đại Phú và danh ca Thanh Tuấn |
"Từ lâu, tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp, bạn hữu khuyên nên mở công ty đào tạo những giọng ca vọng cổ có tiềm năng. Đến thời điểm tôi mở lớp này để truyền nghề theo đúng phương pháp ca vọng cổ mà tôi đã nghiên cứu, đúc kết được từ nhiều thập niên theo nghề" – NSND Thanh Tuấn nói.
NSƯT Phượng Hằng chúc mừng NSND Thanh Tuấn |
Tham gia giảng dạy cùng ông có các thầy đàn gồm: Hoàng Hiệu, Văn Giàu, Văn Ngọc… Sau ba tháng học tập, ông sẽ tổ chức ôn thi và báo cáo hoàn thành khóa học. Ông sẽ thành lập Hội đồng nghệ thuật, mời các nghệ sĩ tài danh và Hội Sân khấu TP HCM tham dự, các học viên đạt điểm hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ.
Hiện nay, có hơn 20 học viên đăng ký tham gia, danh sách đăng ký còn đang cập nhật vì một số bạn trẻ ở các tỉnh, thành chưa kịp đến TP HCM tham dự lễ khai giảng.
NSND Thanh Tuấn và các học viên lò truyền nghề ca cổ |
Theo nhận xét của soạn giả Trần Đại Phú, ngay trong lễ khai giảng đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ có tiềm năng. "Hai giọng ca, một nam, một nữ ca vọng cổ rất hay, chất giọng khỏe, lạ và một bạn đã chọn đúng "bài tủ" là "Nhớ Nha Trang" vốn của NSND Thanh Tuấn để giới thiệu về mình, khiến lớp học đều khen ngợi. Giới chuyên môn đánh giá cao nỗ lực của NSND Thanh Tuấn khi ông góp phần tạo thêm sinh khí mới cho làn cổ nhạc qua việc mở công ty đào tạo mang thương hiệu của mình" - soạn giả Trần Đại Phú chia sẻ.
Vốn là một danh ca xuất thân từ đoàn cải lương Kim Chung, ban đầu theo nghề diễn viên, ông lấy nghệ danh Tuấn Kiệt, sau đó nổi tiếng khi được Hãng dĩa Việt Nam lăng xê, tên tuổi ngày càng sáng rực qua cách thể hiện bài vọng cổ đầy sáng tạo.
NSƯT Cẩm Tiên chúc mừng NSND Thanh Tuấn |
NSND Trần Ngọc Giàu nhận xét, giọng ca của NSND Thanh Tuấn cho thấy ông có sự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để trong cách nhã chữ, lạng lách, ngân luyến đều rất độc đáo và mang dấu ấn của riêng ông. "Đặc biệt nhất là cách sắp câu ca, nhấn rõ dấu: nặng, hỏi, huyền, sắc… và bám sát vần điệu của âm nhạc ngũ cung. NSND Thanh Tuấn còn có khả năng sáng tác bài ca cổ, nhiều năm liền được mời làm giám khảo hai cuộc thi uy tín của giới sân khấu cải lương: "Chuông vàng vọng cổ" của HTV và "Bông lúa vàng" của Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM, đó là lợi thế để ông bổ sung thêm cho giáo trình giảng dạy của mình, nhằm dìu dắt, chỉ dẫn các bạn trẻ có năng khiếu" - NSND Trần Ngọc Giàu bày tỏ.
Từ giọng ca mang nét độc đáo ông đã hình thành phong cách ca diễn theo trường phái "Thanh Tuấn", để sau ông có nhiều đệ tử nối nghiệp theo cách ca như: Minh Tiến, Tuấn Anh, Minh Minh Tâm, Khánh Tuấn, Ngân Tuấn, Trọng Tuấn, Khải Tuấn, Nghi Tuấn, Hữu Tuấn, Minh Tuấn… và đều tạo được sự chú ý đối với khán giả cải lương.
Sự kiện NSND Thanh Tuấn mở công ty truyền nghề là một tín hiệu mới trong làng cổ nhạc hiện nay, vì một danh ca như ông, có nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền nghề cho người có năng khiếu, để họ có thể tự tin tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ cho sân khấu cải lương.