Cô San San Hla cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng trọt theo cách thức mà cha mẹ truyền lại. Nhưng bây giờ, sau khi có ứng dụng mới, tôi nhận ra rằng sử dụng kỹ thuật một cách hợp lý sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ thực hiện theo đúng những kinh nghiệm được truyền lại một cách mù quáng”.
Ứng dụng “Green Way” mà cô San San Hla đang sử dụng là sản phẩm của 2 cựu sinh viên nông nghiệp. Theo Yin Yin Phyu – một trong 2 người viết ra ứng dụng, hồi năm 2011, họ từng lập ra một trang web phục vụ riêng nông dân và thường xuyên thức xuyên đêm để cập nhật thông tin lên web. Song, do lúc bấy giờ vẫn có rất ít nông dân tiếp cận được internet nên ý tưởng của họ đã không thể “cất cánh”. Phải đến khi những chiếc điện thoại thông minh xuất hiện nhiều thì mọi thứ mới thay đổi.
Khi Myanmar mở cửa với thế giới, những công ty viễn thông đã đua nhau giành lấy thị phần, giúp Myanmar nhanh chóng bước ra khỏi thời kỳ của những chiếc máy tính để bàn và những chiếc điện thoại di động kiểu cũ. Giá của một chiếc sim điện thoại đã giảm nhanh chóng từ 3.000 USD ở năm 2005 xuống chỉ còn 1,5 USD vào năm 2013. Hiện, các tập đoàn viễn thông ở nước này thường tặng không điện thoại thông minh cho người sử dụng để giành lấy người sử dụng. Nhờ đó mà tỉ lệ người sử dụng điện thoại tại Myanmar cũng đã tăng từ 7% của năm 2012 lên đến 80% vào cuối năm 2017. Đi cùng với quá trình này là sự ra đời của những ứng dụng liên quan đến mọi vấn đề, từ nông nghiệp tới chăm sóc sức khỏe và cả các hoạt động của Quốc hội.
Ngày nay, các nông dân ở Myanmar – vốn là những người thuộc nhóm nghèo nhất trong xã hội – đã có thể tự tìm kiếm mọi thông tin chỉ bằng một chiếc máy tính di động trên tay. Đây cũng chính là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” với các doanh nhân đứng sau các ứng dụng như “Green Way”. Ra mắt năm 2016, đến nay, công ty đã có 18 nhân viên làm việc toàn thời gian. “Green way là ước mơ của tôi nhằm kết nối các nông dân với chuyên gia. Nó giúp các nông dân có thể nhận được tất cả sự giúp đỡ mà họ cần”, Yin Yin Phyu lý giải. Tính đến nay đã có khoảng 70.000 nông dân ở Myanmar tải ứng dụng này. Đó là còn chưa kể đến lượng nông dân đang tiếp cận ứng dụng thông qua việc chia sẻ thông tin qua điện thoại.
Theo chuyên gia về nông nghiệp Myo Myint, sản lượng nông nghiệp lớn hơn có thể tái định hình cả nền kinh tế và xã hội Myanmar. “Nhiều công nhân ra nước ngoài làm việc vì họ không thể sống được với thu nhập từ nông nghiệp ở Myanmar. Các nông dân cần công nghệ và đầu tư”, ông Myo Myint nhận định. Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới công bố hồi năm 2017 cho hay, nông dân ở một số khu vực tại Myanmar hiện vẫn có mức thu nhập khoảng 2 USD/ngày. Sản lượng nông nghiệp của họ cũng tương đối thấp, với chỉ 23kg lúa cho 1 ngày làm việc trong khi con số này ở Campuchia là 62kg, Việt Nam là 429kg và Thái Lan là 547kg.
Mặc dù vậy nhưng người sáng lập ứng dụng “Golden Paddy” cho rằng công nghệ mới vẫn chưa phải là giải pháp phù hợp nhất với những nông dân không có thời gian hay nguồn lực để thực hiện lời khuyên về việc đổi hạt giống hay phân bón. Vì vậy nên ứng dụng này nhắm đến các nông hộ nhỏ với mong muốn giúp hoạt động sản xuất của họ “trở nên có tính thương mại hơn một chút”. Dự án của “Golden Paddy” cũng tương tự như một số dự án đang được thực hiện ở Ấn Độ và các phần ở châu Phi, tức vẫn dựa vào những chiếc điện thoại kiểu cũ và thông tin từ tin nhắn trên điện thoại.